17/05/2024 04:16

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá Di tích Nhà Lớn Long Sơn (Đền Ông Trần)

Ông Nhà Lớn quy vị (qua đời) gần 100 năm, nhưng tôn chỉ giáo đạo của Ông về “Kỷ cương - Phép nước - Tu nhân - Học phật”, “Đoàn kết - Nhân Nghĩa - Nhẫn Hoà”, truyền thống tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống, nếp sống văn hoá, tình thương yêu nhân loại... vẫn lưu truyền qua nhiều đời con cháu và bá tánh. Không chỉ vậy, Ông còn để lại một di sản văn hoá Hán Nôm với 88 câu hoành phi, 99 câu đối liễn đã được Nhà nước công nhận và bảo vệ bởi quy định pháp luật về Luật Di sản văn hoá.

Nhân dịp kỷ niệm 120 năm (1904 - 2024) năm Giáp Thìn, ngày Ông Nhà Lớn khởi xướng và thực hiện chương trình phúc lợi xã hội, Diễn đàn ERAnet có dịp trao đổi với bà Lê Thị Đến - Kế thừa cha truyền con nối nội tộc tông chi 2, đời thứ 4 của Ông Nhà Lớn, về cuộc đời, sự nghiệp Ông Nhà Lớn và việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy di sản văn hoá di tích Nhà Lớn Long Sơn do Ông Nhà Lớn đặt để hơn 100 năm qua...

Qua tìm hiểu được biết, Ông Nhà Lớn tên thật là Lê Văn Mưu, sinh năm Bính Thìn 1856, tại làng Thiên Khánh, tổng Hà Thành, quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên (nay là xã Tân Khánh Hòa, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang).

Năm 1891, ông Lê Văn Mưu cùng dòng tộc, gia quyến bằng những chiếc thuyền lớn đã vượt biển Hà Tiên đến Vũng Vằn (nay là xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh BR-VT). Tại đây, Ông làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh, làm muối, bán muối để mưu sinh… Sau đó, Ông về sống tại khu Rạch Dừa (nay là phường 10, TP. Vũng Tàu), rồi tìm đến vùng Núi Nứa (khi đó là một ốc đảo, sình lầy, hoang vu...), nay là xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh BR-VT để sinh sống, khai hoang, lập ấp... và cuối cùng chọn nơi đây để định cư lâu dài. Từ đó, Núi Nứa đã trở thành những đồng ruộng bao la, người dân tìm đến an cư, xin làm bá tánh của Ông Nhà Lớn ngày càng đông hơn.

Năm Giáp Thìn 1904 là năm thiên tai lũ lụt xảy ra tại miền Tây Nam Bộ, gây ảnh hưởng nặng nề cho đời sống bà con nơi đây. Ông Nhà Lớn đã dùng thuyền chở lúa đi cứu tế người dân tại các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre... Cũng từ đây, Ông khởi xướng và thực hiện phong trào phúc lợi xã hội về nhân nghĩa.

Năm 1909, Ông xin chính quyền Pháp để xây dựng Nhà Lớn. Năm 1910, Ông bắt đầu xây dựng quần thể kiến trúc Nhà Lớn Long Sơn... đến 1929 thì hoàn thành, khu này gồm Nhà Thánh (thờ Đức Khổng Tử), Lầu Giữa, Lầu Tiên, Lầu Phật, Lầu Cấm, Lầu Dài, Nhà Mát, Nhà Hội và 6 dãy phố với mục đích giúp những người theo Ông có nơi ở (khi ổn định chổ ở thì trả lại Nhà Lớn) và giao đất cho bá tánh sử dụng, cải tạo để an cư lạc nghiệp, lo việc tu đạo (đây là chính sách luân cư, luân  canhh). Đồng thời, Ông xây chợ cho người dân buôn bán, trao đổi hàng hoá... Đặc biệt hơn, Ông còn cho cất trường học (2 lớp học), rước thầy về dạy chữ quốc ngữ cho cộng đồng dân cư (với mục đích mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước), để bắt đầu cho chương trình phúc lợi xã hội về giáo dục...

Ông quy vị vào năm 1935. Con cháu gia tộc Nhà Lớn và bá tánh tôn thờ ông tại Chánh điện Nhà Thánh, tôn kính ông gọi Ông là “Ông Cố Nhà Lớn” hoặc là “Đức Ông”.

Ngày còn tại thế, Ông Nhà Lớn không khai đạo mà chỉ dạy đạo làm người, và xem đây là kim chỉ nam xuyên suốt Đạo Ông Trần với lời giáo đạo là tuân thủ "Kỷ cương - Phép nước - Tu nhân - Học phật”, “Đoàn kết - Nhân nghĩa - Nhẫn hoà”. Đồng thời, cũng chính là giá trị di sản văn hoá phi vật thể được Ông để lại với mong muốn lưu truyền muôn đời, để con cháu gia tộc Nhà Lớn, bá tánh Ông Nhà Lớn và người dân học hỏi, tu tâm dưỡng tánh trở thành người hữu ích cho đời, cho đạo.

Không chỉ vậy, di sản văn hoá còn thể hiện qua sắc phục đặc thù nhất của Ông Nhà Lớn là "Bộ đồ bà ba đen", mang ý nghĩa giản dị tiết kiệm, chân chính.

Áo bà ba cổ tròn có ý nghĩa tứ ân phải trả: ân Tổ quốc đất nước, ân Tam bảo (Phật - Pháp - Tăng), ân Cửu huyền (ông bà, cha mẹ...), ân Đồng bào nhân loại.

Với 5 hàng nút trước ngực (mang ý nghĩa nhân - nghĩa - lễ - trí - tín của nho giáo Đức Khổng Tử); dáng tứ thân (mang ý nghĩa tứ hải huynh đệ) 4 thân - bốn bể là anh em, phải biết thương yêu, giúp đỡ, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.

Riêng chiếc "Quần đáy nem", có miếng vải chính giữa (với ý nghĩa nhắc nhở lòng tham con người phải có điểm dừng), biết giác ngộ, quay đầu hồi hướng trở về tính thiện.

Ngoài ra, đạo của Ông Nhà Lớn có điểm đặc trưng là khi đàn ông trưởng thành bắt đầu để râu, tóc dài (vì râu, tóc là gốc con người, khi sinh ra con người đã có tính thiện); đầu trần, đi chân đất (với ý nghĩa trời là cha, đất là mẹ), lúc nào cũng phải kính cha trọng mẹ (đó còn là chữ hiếu).

Một nét văn hoá nữa trong Đạo Ông Trần là “sống đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách”, nghĩa là sống thì cùng ăn, cùng ở, cùng tu đạo một nơi (đó là Nhà Lớn). Khi chết thì cùng dùng chung bao quan (phía trên nắp bao quan được đan bằng nứa, thân dưới là tấm liệt bằng gỗ). Thi thể người quá cố được tẩm liệm (theo phong tục tập quán của Ông Nhà Lớn), sau đó được đặt lên tấm liệt  và đậy nắp bao quan lại. Đưa ra đến huyệt đạo, đặt thi thể người quá cố xuống đất, rồi lấp đất lại... Chiếc bao quan được mang về Nhà Hội (của Nhà Lớn) để những người mất sau kế tiếp sử dụng. Đây gọi là sống đoàn kết, chết cũng đoàn kết, một lòng không thay đổi.

Ngoài ra, văn hoá Đạo Ông Trần còn thể hiện qua vườn trầu cau (nhắc nhở tình nghĩa phu thê, tình huynh đệ); hình ảnh cây khế (nhắc nhở con người thọ ơn phải biết trả ơn và không nên có lòng tham, gieo nhân sẽ gặt quả)...

Di sản văn hoá của Di tích Nhà Lớn Long Sơn (Đền Ông Trần) được lưu truyền qua 88 câu hoành phi và 99 câu đối liễn bằng chữ Hán Nôm, mang nhiều ý nghĩa giáo dục nhân cách, đạo đức làm người cho con cháu và bá tánh theo tín ngưỡng Ông Nhà Lớn (Đạo Ông Trần)..., xin Bà cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Bà Lê Thị Đến: Tất cả những nét đẹp, ý nghĩa di sản văn hoá của Ông Nhà Lớn để lại  (lưu truyền qua 88 câu hoành phi và 99 câu đối liễn bằng chữ Hán Nôm...) được bài trí tại nhiều vị trí trong khu di tích Nhà Lớn Long Sơn (Đền Ông Trần). Bá tánh thập phương đến chiêm bái và tham quan đều cảm nhận được tính truyền thống giáo dục, nhân nghĩa, tu tâm dưỡng tính theo Đạo Ông Trần, bởi đó chính là giá trị di sản văn hoá phi vật thể.

Điểm đặc biệt nhất, ngay tại nhà Thánh có câu hoành phi “Cung - Kiệm - Trang - Kính”, nghĩa là cung kính, tiết kiệm, trang nghiêm và lễ kính, con người phải biết kính trên nhường dưới, phải trang nghiêm, tiết kiệm cho chính bản thân mình, có dư dả để giúp đỡ người khó khăn hoạn nạn, đau yếu.

Ông Nhà Lớn sống đức độ, có tấm lòng bác ái thương người, thể hiện qua câu hoành phi “Từ Hàng Phổ Tế”, nghĩa là nơi nào đói thì cứu tế, nơi nào khổ thì đến giúp đỡ. Ông dạy con cháu “Toàn hiếu đạo”, làm người phải có 02 chữ hiếu “Tiểu hiếu và Đại hiếu”. Tiểu hiếu là phụng dưỡng, thờ kính mẹ cha, anh em phải đoàn kết cho cha mẹ vui lòng. Đại hiếu là làm rạng danh sự nghiệp tổ tiên ông bà để lại.

Đồng thời, khi còn tại thế, Ông Nhà Lớn tổ chức nhân sự quản lý dưới sự điều hành của Ông Nhà Lớn, gồm 8 Hương chức (là bá tánh có đức, có tài để thực hiện các lễ cung kỉnh theo quy định đặt để của Ông Nhà Lớn, và tiếp nhận lời dạy của Ông để truyền đạt xuống cho phiên hầu, phiên thứ, bá tánh...). Ông Nhà Lớn có câu hoành phi nói về ý chỉ đặt để của Ông đối với 2 nội tộc, tông chi kế thừa cha truyền con nối, để bảo vệ cơ nghiệp và nền đạo của Ông Nhà Lớn để lại, thể hiện qua câu đối liễn được bài trí tại Lầu Cấm: “Hạnh quất hương chi tục thế vĩnh thừa tuấn nghiệp/ Bách tùng tú khí tế nhân qui hậu hồng cơ” (mang ý nghĩa nối tiếp theo cơ nghiệp và tài sản của người đi trước, người kế thừa phải có khí chất người quân tử mới mở rộng được cơ đồ của tổ tiên họ Lê và là Tổ thầy của bá tánh theo tín ngưỡng Ông Nhà Lớn…). Điều đó cho thấy, Nhà Lớn do Ông Nhà Lớn sáng lập và tạo dựng “Thái Lê Sáng Tạo”, là sở hữu tư nhân của Ông Nhà Lớn.

Tài sản đất đai của Ông Nhà Lớn để lại, Ông đã phân chia cụ thể cho 3 người con của Ông (gồm 2 con trai và 1 con gái). Riêng đất Nhà Lớn còn lại là để phục vụ hương hoả cho Nhà Lớn, sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng, trùng tu tôn tạo và phúc lợi xã hội, phải do "2 tông chi nội tộc kế thừa họ Lê" cùng nhau quản lý, sử dụng chung cho Nhà Lớn.

Cha tôi thường nói: “Gìn giữ cơ nghiệp và nền đạo của Ông cũng chính là bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đời, đẹp đạo. Nếu làm không tốt là có lỗi lớn với Ông”.

Ngày nay, Nhà Lớn Long Sơn được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia (theo Luật Di sản), được gọi là bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể).

Thực tế cho thấy, di sản văn hoá phi vật thể (là đạo đức, tác phong, nhân cách sống mà Ông dạy...), đó là Tôn chỉ giáo đạo của Ông, và còn là “Kỷ cương - Phép nước - Tu nhân - Học phật”, “Đoàn kết - Nhân nghĩa - Nhẫn hoà”, phong tục, tập quán, tín ngưỡng đã được tồn tại và duy trì tốt đẹp hơn 100 năm. Vì vậy, cần được bảo vệ và phát huy, thể hiện qua câu hoành phi đối liễn “Phong Tú Pháp Hoa” (mang ý nghĩa là phong tục tập quán, tín ngưỡng như gấm thêu), giáo pháp của Nhà Lớn phải trân trọng gìn giữ, truyền đạt đến tất cả mọi người, không được thay đổi, sai lệch, mai một, huỷ hoại.

Đối với hàng nội tộc kế thừa của Ông Nhà Lớn phải trung can nghĩa khí, thanh liêm, chính trực, có tấm lòng nhân ái, vì vậy trong gia tộc phải đoàn kết, đồng lòng bảo vệ và phát huy đạo của Ông; biết lo cho bá tánh, biết chia sẻ cứu tế cho nơi nào khó khăn, thiên tai hoạn nạn...

Muốn phát huy được lời Ông dạy thì phải thực hiện đức tính đoàn kết, nhân nghĩa, nhẫn hoà. Ngay Cổng Tam quan Nhà Lớn có câu hoành phi “Nhân nghĩa hoành khai do đại hộ/ Nhẫn hoà phúc tải tổng trung môn”, “Nhân nghĩa mở mang do cửa lớn/ Nhẫn hoà che chở vốn cửa trong” (có nghĩa là làm người phải tu thân, tề gia mới trị quốc, bình thiên hạ). Làm người phải biết Nhân - Nghĩa, muốn đạt được Nhân - Nghĩa phải có Nhẫn - Hoà. (là 8 tính Nhẫn của Đức Phật Thầy Tây An và 6 điều Hoà của nhà Phật).

Ngoài ra, còn có câu “Đại đức hàm phong”, nghĩa là có đức lớn mới giữ gìn được truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng của Ông Nhà Lớn.

Đồng thời, muốn thực hiện Nhân nghĩa, Nhẫn hoà thì phải có được đức tính tốt, thể hiện qua câu hoành phi tại cổng Nhà Hội “Phú quý bất dâm bần tiện lạc/ Nam nhi đáo thử thị hào cường” (có nghĩa là phú quý không tham, nghèo hèn cũng thoả). Nam nhi được đến thế cũng hào cường; giàu bất nghĩa bất nhân không màng, nghèo mà giữ nhân nghĩa mới đáng mặt anh hùng, giống như ngạn ngữ Việt Nam có câu: Lành cho sạch, rách cho thơm/ Giấy rách phải giữ lấy lề. Nếu thực hiện được Nhân nghĩa, Nhẫn hoà thì gia đình hoà thuận, xã hội yên vui, thế giới hoà bình.

Ở tầng dưới Lầu Cấm có câu đối liễn: “Đạm như thu thuỷ nhàn trung vị/ Hoà tự xuân phong tĩnh hậu công” (có nghĩa là sau một công lao người ta sống thanh đạm, nhàn nhã như nước mùa thu, và ấm áp như gió mùa xuân).

Và câu đối liễn ở Nhà Thánh “Chí tại Xuân thu chính trực thiên niên hiển hách/ Tâm đồng nhật nguyệt anh hùng vạn cổ uy linh” (có nghĩa là con người ta chính trực, tâm sáng như mặt trời, mặt trăng, không bị lòng tham dâm, tham lợi che mờ mắt, là người có lòng vị tha, nhân ái, chính trực được ghi danh ngàn đời)... Đây còn thể hiện là tấm gương của một Quan Vân Trường (người không tham dâm, không tham danh lợi, không làm ác, không giết người dưới ngựa, được tôn thờ làm quan thánh), được Ông Nhà Lớn khắc ghi truyền lại để dạy con cháu noi theo.

Ở Lầu Cấm - Nhà Lớn có câu đối liễn “Vạn sự do thiên tối dạ bảo nhuận thân nhuận ốc/ Hỷ minh tâm địa, thành mỹ hồ di nghĩa di nhân” (có nghĩa vạn sự do trời, nhưng điều quý báu nhất là mình phải biết trau dồi đạo đức, nhân cách chính trực, tâm địa vui vẻ, đối nhân xử thế một cách ôn hoà, nhã nhặn, yêu thương, đoàn kết thì cuộc sống lúc nào cũng vui vẻ).

Ngay khu vực Nhà Thánh có câu đối liễn: “Sắc tướng bản không ảo niệm vong lai thị Phật cảnh/ Bồ đề thế chủng thiện căn bồi tác cứ nhân duyên” (có nghĩa là trên cuộc đời sắc tướng vốn là hư ảo, thấy đó mà mất đó, bỏ đi tham dục là thấy cảnh Phật, yên bình, không còn hơn thua, ganh ghét, gieo duyên lành thì gặt quả lành...)...

Những câu hoành phi của Ông Nhà Lớn rất sâu sắc và triết lý để dạy (cho con cháu, bá tánh theo đạo của Ông...) những điều nhân nghĩa ở đời. Do đó, con cháu Nhà Lớn, đặc biệt là nội tộc kế thừa quản lý Nhà Lớn, và Hương chức là bá tánh của Ông phải giữ đúng theo ý chỉ đặt để của Ông, truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lối sống, nếp sống văn hoá do Ông Nhà Lớn để lại hơn 100 năm nay. Nếu phá vỡ là không làm tròn trọng trách, đó là “Khi sư diệt tổ”.

Ông Nhà Lớn đã lưu truyền lại “một kho” di sản văn hoá cho nhiều thế hệ, xin bà cho biết việc bảo vệ và phát huy truyền thống nhân nghĩa, giáo dục của Ông Nhà Lớn hiện nay như thế nào?

Bà Lê Thị Đến: Năm cha tôi già yếu, có dặn: Khi đứng vào hàng ngũ Hương chức, đặc biệt là 2 nội tộc kế thừa cùng nhau quản lý không phải là địa vị mà là trách nhiệm, bổn phận gìn giữ cơ nghiệp và nền đạo của Ông Nhà Lớn, nếu làm không xong là mang lỗi với Ông Nhà Lớn.

Gái xuất gia tòng phu, tại gia thì tòng phụ, do đó tôi là hàng kế thừa "cha truyền con nối" nội tộc tông chi 2 Ông Nhà Lớn và chị Lê Thị Kiềm là hàng kế thừa nội tộc tông chi 1 của Ông Nhà Lớn đã cùng nhau tiếp nối quản lý điều hành, định đoạt sử dụng đất đai và tài chánh Nhà Lớn vào mục đích chung cho Nhà Lớn, có vị 8 Hương chức (kỳ lão) Nhà Lớn cùng chung lo công việc lễ nghi, cung kỉnh...

Sau này, để liên hệ với cơ quan nhà nước trên chứng từ giấy tờ, tôi và bà Kiềm thống nhất với Hương chức (Kỳ lão Nhà Lớn) sử dụng tên gọi “Ban điều hành Nhà Lớn” để giao dịch, còn trong nội bộ vẫn giữ nguyên hoạt động như Ông Nhà Lớn đặt để.

Chị em tôi lên kế hoạch mỗi tháng tiết kiệm để cuối năm trao tặng quà cho học sinh vượt khó học giỏi. Năm 1998, phong trào “Cây mùa Xuân” ra đời, được tổ chức tại Lầu Dài, mỗi em học sinh học giỏi được tặng 5 cuốn tập. Riêng con em các hộ thường xuyên kỉnh lúa cho Nhà Lớn (ở tỉnh Tiền Giang) thì mỗi học sinh được tặng 5 cuốn tập. Ngoài ra, chúng tôi thành lập Ban tình thương xã hội thăm người đau bệnh, qua đời...

Mọi hoạt động của Ban điều hành Nhà Lớn đang đi đúng hướng đặt để của Ông Nhà Lớn, phát huy tính đoàn kết, nhân nghĩa - giáo dục, hoạt động phúc lợi xã hội... nhưng đến năm 2006, biến cố đã xảy ra với Nhà Lớn, có phần nào đó mang tính truyền thống đã bị phá vỡ...

Dù vậy, nhưng tôi là kế thừa nội tộc tông chi 2 Ông Nhà Lớn vẫn tiếp tục phát huy truyền thống nhân nghĩa - giáo dục của Ông, bằng nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực về phúc lợi xã hội: Mùa dịch Covid-19 năm 2021, tôi chuyển những khoản tiền hỗ trợ (nhờ UBND các xã...), phân phát cho bà con nghèo khó ở miền Tây.

Năm 2022, tôi tổ chức chương trình “Cây mùa Xuân” cho 11 xã miền Tây,  phát nhiều phần quà trao tặng cho người già neo đơn, các em học sinh vượt khó học giỏi; đóng góp kinh phí xây dựng nhiều cầu ở xã Nhị Bình, xã Điềm Hy, xã Phước Lập (tỉnh Tiền Giang), trị giá hơn 700 triệu đồng.

Vào dịp Tết Giáp Thìn 2024, để tưởng nhớ về Ông Nhà Lớn đã cứu tế người dân miền Tây gặp thiên tai lũ lụt năm Giáp Thìn 1904, tôi phối hợp với Bếp ăn Tình thương xã Long Sơn, Ban công tác xã hội bệnh viện Bà Rịa trao quà cho những hộ nghèo, học sinh vượt khó học giỏi, sinh viên vượt khó tại xã Bưng Riềng (Xuyên Mộc), xã Láng Lớn (Châu Đức), xã Tóc Tiên (Phú Mỹ) thuộc tỉnh BR-VT. Riêng tôi trao tặng quà mỗi xã 45 triệu đồng, tổng trị giá 3 xã là 135 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tôi còn kết hợp với Bếp ăn Tình thương xã Long Sơn tài trợ kinh phí xây dựng 05 mái ấm yêu thương tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh BR-VT. Riêng tôi trao tặng tổng kinh phí hơn 350 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn trao tặng 103 suất quà cho các em sinh viên năm thứ nhất, 186 suất quà cho các em học sinh vượt khó học giỏi và hơn 300 hộ dân người già neo đơn, khó khăn trên địa bàn xã Long Sơn.

Mới đây, vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2024, tôi đã trao tặng nhiều phần quà (gồm tiền mặt, nước uống) cho người già neo đơn, khó khăn của 6 xã thuộc huyện Bình Đại, Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre) và trao quà cho người già neo đơn, học sinh vượt khó học giỏi thuộc xã Gia Thuận, xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) với tổng kinh phí hơn 330 triệu đồng.

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng bà Lê Thị Đến vẫn không ngừng phát huy giá trị di sản văn hoá Ông Nhà Lớn để lại với mong muốn các đời con cháu noi theo. Vậy theo bà, làm thế nào để truyền thống Nhà Lớn được gìn giữ và bảo vệ đúng nghĩa?

Bà Lê Thị Đến: Muốn bảo vệ và phát huy được truyền thống giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của Đạo Ông Trần thì quan trọng nhất là 02 nội tộc kế thừa (tông chi 1, tông chi 2 của Ông Nhà Lớn) về quản lý, điều hành Nhà Lớn phải mẫu mực, thấm nhuần lời dạy truyền thống của Ông Nhà Lớn; cùng  nhau  quản  lý, sử dụng đất và tài chính Nhà Lớn đúng mục đích, có hiệu quả theo đúng quy định. Từ đó mới truyền đạt đúng ý chỉ, giáo đạo của Ông Nhà Lớn ngay từ trong gia đình, nội tộc, rồi ra đến ngoài xã hội, bá tánh, để gìn giữ phát huy giá trị di sản văn hoá Đạo Ông Trần, xứng đáng là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, xứng đáng với công lao của Ông Trần đã dày công hy sinh cả xương máu để gây dựng cơ nghiệp và nền đạo. Đó còn là sự hy sinh, mất mát của ông, cha và chú tôi trong gian khó để xây dựng Nhà Lớn. Riêng cha tôi vừa lao động, vừa tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp, đồng thời quản lý, bảo vệ Nhà Lớn...

Cho đến nay (thế hệ thứ 4 của Ông Nhà Lớn), chưa hết 2 đời quản lý Nhà Lớn đã xảy ra nhiều chuyện ảnh hưởng đến thanh danh Ông Nhà Lớn, phá huỷ giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể Đạo Ông Trần để lại hơn 100 năm qua. Nhưng hiện tại, tôi vẫn cố gắn từng ngày phát huy giá trị di sản văn hoá di tích Nhà Lớn Long Sơn (được Nhà nước công nhận, xếp hạng cấp quốc gia năm 1991), được bảo vệ bởi quy định của pháp luật về Luật Di sản văn hoá.

Vì vậy, mong thế hệ hiện tại và sau này hiểu biết sâu sắc hơn, trân trọng thực hiện lời giáo huấn của Ông Nhà Lớn về “Kỷ cương - Phép nước - Tu nhân - Học phật”, “Đoàn kết - Nhân nghĩa - Nhẫn hoà” và phát huy tính truyền thống phúc lợi xã hội về nhân nghĩa - giáo dục.

Xin cảm ơn bà Lê Thị Đến - Gia tộc Nhà Lớn!

Nhà Lớn Long Sơn (Đền Ông Trần) toạ lạc tại thôn 5, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh BR-VT được công nhận là Khu Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia từ năm 1991, Nhà Lớn Long Sơn trải qua nhiều năm 2 nội tộc (tông chi 1 và tông chi 2 của Ông Nhà Lớn) theo truyền thống “cha truyền con nối” cùng quản lý điều hành và 8 vị Hương chức (kỳ lão). Đây là nét đẹp truyền thống gần 100 năm được tồn tại, duy trì tại Di tích Nhà Lớn Long Sơn, đồng thời là nét đẹp văn hóa tồn tại từ rất lâu trên địa bàn tỉnh BR-VT nói chung, mang giá trị di sản văn hoá của di tích Nhà Lớn Long Sơn nói riêng đã được Nhà nước công nhận, cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

 

Hương Nguyên

Link nội dung: https://eranet.vn/bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-di-tich-nha-lon-long-son-den-ong-tran-68.html