14/03/2022 07:42

Bất chấp chiến sự Ukraine - Nga, kinh tế Việt Nam vẫn vươn lên sau đại dịch

Trải qua cơn đại dịch 2021, có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi. Mặc dù diễn biến chính trị thế giới xuất hiện nhiều áp lực lên nền tảng kinh tế toàn cầu.

Do hoạt động thương mại, đầu tư của Việt Nam với Nga và Ukraine không quá lớn, song lại có những ảnh hưởng đáng quan ngại.Cụ thể, biến động của giá dầu đã đẩy giá bán lẻ xăng dầu trong nước lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua, gây áp lực lớn cho lạm phát. Một số tổ chức nghiên cứu trong nước đã đưa ra kịch bản dự báo lạm phát cả năm 2022 có thể vượt mức 4% và tăng trưởng thấp hơn mục tiêu, nếu giá dầu thế giới không hạ nhiệt.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ ra một số nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao. Ðó là, tổng cầu tăng đột biến do kinh tế bắt đầu có đà phục hồi, kết hợp với tác động của việc triển khai Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội có mức độ giải ngân khoảng 50% nguồn lực từ gói hỗ trợ gần 350 nghìn tỷ đồng trong năm 2022.

Bên cạnh đó là ảnh hưởng từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế; nguy cơ nhập khẩu lạm phát do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nếu lạm phát tăng cao sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế, tạo ra mặt bằng giá mới. Khi đó, các quyết định về đầu tư, kinh doanh đều tính toán trên mặt bằng giá mới, khiến chi phí đầu vào cao hơn, thu nhập thực tế của người dân bị giảm, từ đó làm giảm sức chi tiêu và giảm tổng cầu, tác động rất mạnh đến nền kinh tế.

(Ảnh minh họa)

Tại diễn đàn Kiểm soát lạm phát-Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế diễn ra mới đây, ông Nguyễn Xuân Ðịnh, Phó Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, không thể chủ quan trước diễn biến lạm phát vì từ đầu năm đến nay có những yếu tố không thể đoán định. Rủi ro lớn nhất là giá xăng dầu, bên cạnh đó là giá các mặt hàng nguyên liệu thành phẩm cũng tăng mạnh, ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế và đời sống. Trước diễn biến này, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kịch bản điều hành giá, trong đó sẽ có những kịch bản lạm phát ở mức hơn 4%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 4%. Vì vậy, công tác điều hành giá được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.

Tính đến hết tháng 2/2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,68% so cùng kỳ năm 2021; lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát hai tháng đầu năm vẫn đang được kiểm soát ở mức phù hợp. Tuy nhiên, công tác điều hành giá những tháng tiếp vẫn được theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và trong nước; có các giải pháp bảo đảm cung cầu xăng dầu trong nước và hạn chế mức tăng giá. Ðồng thời có phương án, giải pháp cung cấp, cân đối hàng hóa thiết yếu trên thị trường trong điều kiện các nguồn cung truyền thống có thể bị suy giảm.

Tại Việt Nam, dự báo của các tổ chức quốc tế uy tín đều đánh giá Việt Nam có khả năng phục hồi trở lại cao ở mức 6% đến 6,5% vào năm 2022.

Mới đây, báo Chính Phủ online trích dẫn báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 13/1 cho biết kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022 với tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,5%.

Nông Huyền Sơn

Link nội dung: https://eranet.vn/bat-chap-chien-su-ukraine-nga-kinh-te-viet-nam-van-vuon-len-sau-dai-dich-45.html