15/02/2022 09:18

Bức ảnh "bàn tay chúa" ở phòng khánh tiết Toà thánh Vatican

Theo chia sẻ của bạn Lê Việt Phong - Con trai của nhiếp ảnh gia Lê Đông - ở khách sảnh Nhà thờ Đức Bà (TP. Hồ Chí Minh) và phòng khánh tiết Toà thánh Vatican có trưng bày tác phẩm nhiếp ảnh "Bàn tay Chúa". Bức ảnh đó đặc tả bức tượng Đức Mẹ và nhà thờ Vương Cung Thánh Đường còn được gọi là Nhà thờ Chính toà Đức Bà Sài Gòn ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Điểm đặc biệt của bức ảnh là trên nền trời xanh thẳm có một cụm mây tạo thành hình bàn tay rất kỳ ảo. Bức ảnh đó do nhiếp ảnh gia lão thành lê Đông sáng tác vào một ngày sinh nhật của chính ông.

Nhiếp ảnh gia Lê Đông và tác phẩm Bàn tay Chúa

Ông kể: "Hôm đấy, cách đây cũng phải hơn 8 năm rồi. Ngày sinh nhật của tôi. Ngồi nhà một mình cũng buồn. Tôi nghĩ phải làm  một việc gì đó để kỷ niệm ngày mẹ mình sinh ra mình chứ. Vậy là tôi xách máy ảnh đi ra đường, trong lòng miên man nghĩ về người mẹ hiền yêu kính... Lang thang vài con phố , tôi dừng chân ở nhà thờ Đức Bà vào buổi chiều, một ngày tháng 8. Tôi chụp hình bức tượng Mẹ Maria.  Khi đang căn chỉnh khuôn hình và ánh sáng... tôi đưa ống kính máy ảnh hướng lên cao hơn chút nữa, tự nhiên tôi hét lên liên tục bằng 3 thứ tiếng: Việt Nam, Anh và Pháp. Nội dung là: VN muôn năm. Hét xong, giữ nguyên tư thế đang ngồi bệt dưới đất. Tôi cầm máy ảnh lết trên nền xi măng trong nắng chiều. Tôi lết qua đàn chim bồ câu đang ăn thóc, mà chúng cũng không làm tôi lãng trí. Trong tầm ngắm chuẩn, chính xác. Tôi nín thở nhấn nút chụp hình. Trong tích tắc ghi hình xong, đám mây trắng từ từ lan toả, và tan theo những cơn gió chiều, thổi từ sông SG vô thành phố. Mang lại không khí mát lành sau những vệt nắng. Khi chụp hình xong, tôi ngồi lặng im một lúc để cân bằng lại cảm xúc. Lúc này, tôi mới thấy, mọi người đứng vây xung quanh. Họ  kinh ngạc, nhìn tôi chằm chằm , vì chả hiểu sao lại có một ông già tóc bạc trắng, gầy gò, đen nhẻm la hét quá lớn, rồi lê lết dưới nền xi măng, kinh khủng hơn nữa, khi tôi đứng lên, thì ... phân chim dính đầy trên quần... Tôi mỉm cười, cúi đầu chào họ và xách máy ảnh,  thong dong thả bước chân,  trên đường phố thân quen trong tâm trạng đầy hứng khởi. Khi tôi đi làm ảnh, ông chủ tiệm ảnh thích lắm. Rồi ổng kể chuyện cho bạn ổng nghe về bức ảnh Bàn tay Chúa của tôi. Ai dè, bạn ổng tìm đến tôi, xin mua bức ảnh này, với tâm nguyện sẽ gửi sang tặng Toà Thánh VatiCan. Tôi đồng ý". 
Nhiếp ảnh gia Lê Đông cho biết, đây cũng là bức ảnh ông tâm huyết nhất trong suốt chặng đường 60 năm gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh.
Được biết, năm nay ông bước vào tuổi thượng thọ 83 nhưng vẫn tâm huyết với "nghiệp" sáng tác ảnh. Hàng này ông vẫn la cà ở Công viên Tao Đàn (TP. Hồ Chí Minh) để hàn huyên cùng những bạn tri âm, tri kỷ nhiếp ảnh.
Ông đến với nhiếp ảnh tình cờ như những ngã rẽ cuộc đời mình vậy.

Nhiếp ảnh gia Lê Đông đã bước vào tuổi thượng thọ 85

"NHIẾP ẢNH HƠN CẢ CUỘC TÔI"

Lúc 11 tuổi, ông được đưa từ Mỹ Tho, tỉnh tiền Giang, ra Bắc học ở trường Thiếu sinh quân Ba Vì. Sau đó, ông được đưa sang học tập tại CHDC Đức (cũ). Cái duyên với nhiếp ảnh bén rễ từ đây.
Như nhiều người khác khi sống ở nước ngoài thường sắm chiếc máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc lưu niệm. “Tôi có biết chụp ảnh gì đâu. Mua máy rồi gặp gì chụp nấy, chụp cho bạn bè và chụp những gì mình thích”, ông nhớ lại. Nhưng một dịp tình cờ đã gắn kết nghệ thuật nhiếp ảnh suốt cuộc đời ông. Đó là lúc Lê Đông đang tuổi đôi mươi.
Trong một dịp hội họp, ông ngồi trước một cô gái Ba Lan còn rất trẻ. Trước nét đẹp dịu dàng và quý phái của cô, ông không thể cầm lòng nên lấy máy ảnh chụp lén. Lát sau, một vị tướng Ba Lan cũng có mặt tại sự kiện này, nghiêm nghị hỏi lý do Lê Đông chụp ảnh cô gái.
Bị “bắt quả tang”, ông thú thật rằng vì cô gái quá đẹp, quá đáng yêu, nên phải chụp lại để chiêm ngưỡng. Nghe vậy, vị tướng cười và cho biết ông chính là ba của cô gái đó. Rồi ông trách – nhưng có lẽ là gợi ý: Khi muốn chụp ảnh người khác thì nên xin phép họ. Nếu được đồng ý, xem như anh đạt một nửa thành công, vì được người mẫu hợp tác”.
Được “chỉ đường”, Lê Đông mừng húm. Ông đến xin phép cô gái Ba Lan để chụp ảnh và cô gái nhận lời.
Sau buổi chụp ảnh, vị tướng dặn Lê Đông hôm sau mang đến văn phòng mình 10 bức mà ông từng chụp về bất cứ đề tài gì, trong đó gồm 5 bức xấu nhất và 5 bức được cho là đẹp nhất. Hôm sau Lê Đông y lời dặn, mang đến cho vị tướng xem số ảnh theo yêu cầu. Sau khi xem trước 5 bức đẹp nhất, vị tướng vất ngay vào sọt rác.
Rồi ông chọn ra 2 trong 5 bức xấu nhất, dặn Lê Đông về phóng to ra mỗi ảnh 2 bức khổ 30 X 45cm phía sau ghi nội dung ảnh và thông tin người chụp mang đến cho ông.
Lê Đông cứ theo lời dặn mà không thể hiểu vị tướng ấy có ý định gì với 2 bức ảnh.
Vào một buổi sáng sau đó nửa tháng, cô gái con vị tướng đột ngột xuất hiện và cho hay một bức ảnh của Lê Đông giành giải khuyến khích cuộc thi ảnh toàn châu Âu năm 1961 (gồm các nhà nhiếp Đông Âu và Tây Âu tham gia).
Đó là bức ảnh ông chụp một cậu bé Đức đứng trên dồi “tè” thành hình cầu vồng xuống một chiếc xe tăng có khẩu đại bác gãy nòng, mang biểu tượng Quốc xã.
“Thật ra chỉ là ăn may. Tôi thấy hay hay thì chụp, có biết nghệ thuật và ý đồ gì đâu mà thể hiện. Cho nên, nếu không gặp vị tướng hiểu biết về nghệ thuật nhiếp ảnh đó, chưa chắc tôi theo nghệ thuật nhiếp ảnh”, ông cười hiền lành tâm sự
Sau khi về nước năm 1965, Lê Đông ôm máy ảnh sáng tác khắp chiến trường Đông Dương.
Khi đất nước thống nhất năm 1975, nhiếp ảnh gia Lê Đông được bố trí công tác ở ngành giao thông – vận tải tỉnh Tiền Giang quê ông. Sau đó, ông được điều chuyển về Ban Tổ chức Thành ủy, rồi Sở VH-TT TP. Hồ Chí Minh (cũ).

Với ông, nhiếp ảnh "hơn cả cuộc đời"

Điểm đặc biệt của nhiếo ảnh gia Lê Đông là luôn chung thuỷ với chiếc máy ảnh cơ đã cũ và phim nhựa Kodak.
Tuy có một kho ảnh đồ sộ, trong đó có không ít tác phẩm có giá trị nghệ thuật và từng đạt giải thưởng quốc tế, nhưng ông không bao giờ nhận mình là “nhà nhiếp ảnh” hay “nhiếp ảnh gia”. Ông bày tỏ: “Nhiếp ảnh hơn cả cuộc đời tôi. Tôi tôn thờ Chân – Thiện – Mỹ nên hàng ngày tôi đi khất thực những điều đó. Phàm đã làm người thì đừng bao giờ đi ăn mày danh vọng. Cho nên tôi chỉ dám nhận mình là cầm máy gia mà thôi”.
(Tổng hợp từ tác giả Minh Đào, Sài Thành) 

Nông Huyền Sơn

Link nội dung: https://eranet.vn/buc-anh-ban-tay-chua-o-phong-khanh-tiet-toa-thanh-vatican-45.html