12/12/2024 08:34

Cần thay đổi 44% kỹ năng trong lao động để phù hợp với việc làm

Theo Báo cáo tương lai việc làm năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), dự đoán trong 5 năm tới có khoảng 44% kỹ năng của người lao động cần được thay đổi để phù hợp với việc làm.

Các kỹ năng nhận thức có sự thay đổi nhanh nhất, do nhu cầu ngày càng tăng trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp tại nơi làm việc. Trong đó, tư duy sáng tạo luôn đòi hỏi phải được nâng cao nhanh hơn so với tư duy phân tích. Hiểu biết về công nghệ là kỹ năng cốt lõi và là đòi hỏi đứng thứ 3 trong số các kỹ năng cần điều chỉnh và phát triển.

Bên cạnh đó, thái độ cảm xúc xã hội cũng được xếp vào nhóm các kỹ năng cần phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu công việc. Ham học hỏi và học tập suốt đời, có khả năng phục hồi, linh hoạt và nhanh nhẹn; tự tạo động lực làm việc cũng là những kỹ năng được xếp vào nhóm đầu, cần có sự thay đổi và phát triển nhanh mới đáp ứng được yêu cầu việc làm trong 5 năm tới.

Đối với các kỹ năng về chuyên môn, sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, quản lý tài năng, dịch vụ khách hàng… là những kỹ năng nằm trong nhóm 10 kỹ năng cần phát triển hàng đầu.

Trong khi đó, các kỹ năng được đánh giá là sẽ giảm mức độ quan trọng đối với người lao động trong thời gian tới là kỹ năng đọc, viết và tính toán; công dân toàn cầu; khả năng nhạy cảm; sự khéo léo; sức bền và độ chính xác thủ công; quản lý chất lượng.

Với sự thay đổi nhanh chóng về các kỹ năng làm việc trong tương lai, các quốc gia cần chú ý vào hoạt động đào tạo người lao động và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như thúc đẩy tư duy phân tích, tư duy sáng tạo; kỹ năng lãnh đạo và tạo ảnh hưởng xã hội; năng lực khám phá và học tập suốt đời; quản lý và sử dụng AI và dữ liệu lớn; quản lý môi trường, tiếp thị và truyền thông; mạng và an ninh mạng…

Thực tế cho thấy, nhu cầu nhân lực trong thời đại số tăng cao so với yêu cầu về kỹ năng công nghệ, ngoại ngữ và kỹ năng mềm… đó cũng là thách thức cho người lao động bao gồm việc cập nhật kiến thức liên tục và thích nghi với công nghệ mới.

Vì vậy sự cần thiết đối với các trường đại học và giáo dục nghề nghiệp phải hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng, nền tảng công nghệ, trang thiết bị học và thực hành…

Công cụ đào tạo nhân sự công nghệ số phải thật sự hiệu quả bao gồm chương trình học, các nền tảng trực tuyến, và các chương trình chứng chỉ… Đặc biệt, phương pháp đào tạo hiệu quả bao gồm việc tích hợp học tập liên tục vào quy trình làm việc và tạo điều kiện để nhân viên phát triển kỹ năng cần thiết.

Sự tích hợp trí tuệ nhân tạo AI vào lực lượng lao động sẽ có sự thay đổi chất lượng cơ cấu, hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp, phù hợp cơ cấu nhân lực số và công nghệ số, thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế bối cảnh cạnh tranh quốc tế là những yêu cầu  đang thay đổi đáng kể từ nền tảng giáo dục và đào tạo ứng dụng công nghệ.

Việc này không chỉ tập trung vào kiến thức mà tiến xa hơn với việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, học máy, thực tế ảo và thực tế tăng cường… để tạo ra môi trường học tập thông minh và cá nhân hóa, khả năng xã hội, tinh thần và an toàn của sinh viên -học sinh.

Điều đó giúp tương tác giữa con người và công nghệ, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp và nhu cầu thị trường lao động, phát triển năng lực toàn diện cho sinh viên, bao gồm kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và phẩm chất đạo đức, giúp sinh viên - học sinh thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của xã hội và thị trường lao động trong môi trường quốc tế.

Ngoài ra, đề cập đến việc chú trọng phát triển năng lực sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên - học sinh; tăng cường kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp; xây dựng môi trường học tập gắn liền với thực tiễn… Ngoài ra, các kỹ năng cốt lõi như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phân tích và sáng tạo ngày càng trở thành cốt yếu trong các doanh nghiệp.

Với xu hướng đòi hỏi người lao động phải am hiểu thị trường, chấp nhận áp lực… buộc họ phải luôn biết cách thiết lập quy trình làm việc một cách hiệu quả nhất, điều này không chỉ đo bằng thời gian hoàn thành công việc, mà từ những hiệu quả công việc và cách làm việc, giao tiếp với đồng nghiệp, với khách hàng, với mọi người..

Đồng thời chủ động ứng phó các thách thức đang đặt ra, tìm hướng phát triển thích ứng trong bối cảnh mới, đang được xem là một trong những nguyên tắc, phương thức để phù hợp với mọi ngành nghề trong xã hội, tạo nên chất lượng lao động, đáp ứng được nhu cầu phát triển chung.

Hệ thống mô phỏng tích hợp các loại công nghệ, môi trường số, kết nối vạn vật và không gian mạng sẽ trở thành công cụ sản xuất chủ yếu; phương thức sản xuất thông minh là chủ đạo; dữ liệu và thông tin sẽ trở thành nguyên liệu có giá trị ngày càng lớn; các công nghệ mới đang và sẽ tác động đến thị trường lao động trí tuệ (AI, blockchain, IoT…), lao động kỹ năng ngày càng chi phối; trí tuệ nhân tạo, người máy sẽ dần thay thế con người trong nhiều công việc phổ biến và đang chuyển dịch phù hợp, tạo nên nhiều thách thức, nhiểu cơ hội phát triển.

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/can-thay-doi-44-ky-nang-trong-lao-dong-de-phu-hop-voi-viec-lam-75.html