Với tình hình chiết khấu 0 đồng hoặc quá thấp như hiện nay, các nhà bán lẻ xăng dầu đang kinh doanh đang thua lỗ nặng và hàng nghìn cây xăng khó có thể trụ được lâu dài nữa.
Thông tin trên được nêu ra tại Hội nghị Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu do Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức ngày 21-9.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh chiết khấu bằng 0 đồng/lít hoặc chỉ vài trăm đồng/lít trong thời gian dài vừa qua khiến họ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phải đóng cửa nếu tiếp tục duy trì mức chiết khấu này 1-2 tháng tới.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) cũng là đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, cho rằng thời gian vừa qua, việc áp dụng mức chiết khấu bằng 0 là không bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp bán lẻ ở cuối chuỗi, không có quyền đưa ra định mức chiết khấu nên chịu thiệt hại lớn nhất.
Do đó, bà Hường đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối... phải chia sẻ định mức cho doanh nghiệp bán lẻ.
Ở góc độ các cơ quan quản lý, bà đề nghị khi Liên Bộ Tài chính - Công Thương đưa ra mức bán lẻ phải đảm bảo chi phí lưu thông, tránh hạ giá để lấy thành tích nhưng doanh nghiệp phải gánh lỗ. Bà cho rằng nếu những vấn đề này không giải quyết được thì sẽ để lại nhiều hệ lụy.
Hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng chỉ khi mức chiết khấu từ khoảng 1.500 đồng/lít thì mới đủ cho doanh nghiệp trang trải các chi phí vận chuyển, nhân công, điện nước, hao hụt... và trên 1.500 đồng/lít thì doanh nghiệp mới có lãi.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà bán lẻ xăng dầu phản ánh kinh doanh đang bị thua lỗ do mức chiết khấu của nhà phân phối quá thấp. “Càng bán càng lỗ nhưng đại lý vẫn phải mở cửa bán xăng dầu, bởi nếu đóng cửa sẽ bị cơ quan chức năng rút giấy phép”, chủ một cây xăng chia sẻ.
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng đưa ra nhiều ý kiến phản ánh liên quan đến cách tính giá cơ sở, quy định nhập xăng dầu... gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn thời gian giữa hai kỳ điều chỉnh giá, tối thiểu 3 ngày, kể cả ngày nghỉ, vì xăng dầu là nhu cầu thường xuyên, không phân biệt ngày nghỉ, trong khi các kỳ nghỉ đang có xu hướng kéo dài để kích cầu. Hiện này thời gian điều hành giữa hai kỳ là 10 ngày theo các doanh nghiệp là không phù hợp vì giá xăng dầu thế giới đang biến động từng ngày, thậm chí là từng giờ.
Hiện nay mỗi doanh nghiệp bán lẻ chỉ được phép ký hợp đồng với một doanh nghiệp đầu mối khi có sự cố thì doanh nghiệp bán lẻ không được lấy hàng từ đầu mối khác và dẫn đến triệt tiêu cạnh tranh. Do đó, các doanh nghiệp này kiến nghị cơ quan chức năng cho các cửa hàng bán lẻ được ký hợp đồng nhiều doanh nghiệp đầu mối để vừa tăng sức cạnh tranh, vừa đáp ứng được nguồn hàng.
Hiện cả nước có khoảng 17.000 đơn vị kinh doanh xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng, an sinh xã hội. Do đó, các ý kiến Trên cơ sở các ý kiến nêu ra các Bộ ngành cần sớm tháo gỡ.