Trong 5 tầng điều trị COVID-19 ở TP.HCM, BV Hồi sức COVID-19 là “thành trì cuối cùng”. Gấp rút thành lập, gấp rút hoạt động để kịp bảo toàn tính mạng nhiều F0 nặng, nguy kịch, bên trong “thành trì” này mấy ngày qua có những chuyện... hy hữu.
Nhân viên vệ sinh “bỏ của chạy lấy người”
Từ khi đi vào hoạt động (ngày 16/7) tới nay, các nhân viên y tế của BV Hồi sức COVID-19 phải chia nhau đảm đương luôn chuyện lau chùi quét dọn toàn bộ khuôn viên BV, thu gom rác thải, làm sạch nhà vệ sinh... Cũng xin nói luôn, chuyện này là “vạn bất đắc dĩ”, chứ không phải chính quyền và ngành Y tế TP.HCM “keo kiệt” tới mức không chịu chi trả phí thuê nhân viên vệ sinh.
Số là, từ trước khi BV Hồi sức COVID-19 chính thức đi vào hoạt động, bắt đầu tiếp đón các trường hợp F0 nặng, nguy kịch từ các “tầng điều trị COVID-19” tuyến dưới chuyển lên, chính quyền TP.HCM đã “bật đèn xanh” để Ban Giám đốc BV có đủ nguồn ngân sách trang trải một cách hợp lý nhất mọi hoạt động. Dĩ nhiên, đảm bảo “nơi cứu mạng” F0 nặng nhất được sạch sẽ, dù chưa phải chuyện quan trọng bật nhất, nhưng cũng là việc không thể không làm. Vậy nên, Ban Giám đốc BV Hồi sức COVID-19 đã “chiêu mộ” các đơn vị dịch vụ vệ sinh có uy tín trong ngành Y tế lâu nay. Tuy nhiên, để hoạt động trong “thành trì điều trị COVID-19” đòi hỏi toàn bộ nhân viên vệ sinh phải được tập huấn hết sức kỹ lưỡng về quy trình an toàn phòng dịch cho bệnh nhân, cho bản thân và cho các đồng nghiệp. Đây là quy trình khắt khe nhất từ trước đến nay từng được áp dụng trong các cơ sở y tế, bởi chỉ cần một vài giây lơ là, sơ sẩy là có thể bị nhiễm COVID-19 ngay.
Thế nên, ngay sau quá trình tập huấn, hầu hết nhân viên vệ sinh được thuê đều “bỏ của chạy lấy người”. Điều này hết sức dễ hiểu và cũng dễ thông cảm, bởi COVID-19 “chẳng từ mặt ai”, nên cũng chưa ai dám nói không sợ loại vi-rút chết người này. Qua mấy bận “chiêu mộ”, tập huấn và lại “bỏ của chạy lấy người”, số nhân viên vệ sinh được thuê trụ lại giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Quá nóng ruột chuyện nhân viên y tế phải “bao sân” cả vấn đề vệ sinh BV, chính quyền TP.HCM lại thêm một lần nữa “bật đèn xanh” cho BV Hồi sức COVID-19 rằng “cứ trả phí hợp lý hơn nữa”, nhưng chuyện vẫn chưa đi tới đâu. Theo Ban Giám đốc BV, thời điểm này, đa số người làm trong các đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh đều là lao động nhập cư, ở nhà trọ nên “dính” khu phong tỏa rất nhiều. Vì vậy, việc “chiêu mộ” người làm vệ sinh trong BV hiện giờ còn khó hơn... điều trị COVID-19.
Nhân viên y tế “múa hát” ngày 2 cữ
Ở BV Hồi sức COVID-19, từ bác sĩ đến điều dưỡng, kỹ thuật viên... trực tiếp điều trị F0 đều phải mặc đồ bảo hộ áo liền quần loại xịn sò nhất, đính kèm nhiều phụ kiện (găng tay, khẩu trang, nón, kính...). Mỗi nhân viên y tế tại BV đều được cấp 2 bộ đồ bảo hộ mỗi ngày. Tuy nhiên, do quy trình mặc vào, cởi ra đồ bảo hộ và phụ kiện bảo hộ rất nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm, nên mỗi lần như thế phải mất tới hơn 30 phút.
“Múa hát” là thuật ngữ của giới hướng dẫn viên du lịch thường hay nói đến, để chỉ chuyện vệ sinh nặng là “múa”, còn vệ sinh nhẹ là “hát”, để du khách đỡ mắc cỡ khi... trình bày hoàn cảnh. Vì chỉ có 2 bộ đồ bảo hộ mỗi ngày và thời gian thay đồ kéo dài tới trên 30 phút, nên từ bác sĩ, điều dưỡng, cho đến kỹ thuật viên... trực tiếp điều trị F0 chỉ được “múa hát” mỗi ngày 2 cữ, để tránh phải loại bỏ luôn đồ bảo hộ.
Một thành viên Ban Giám đốc BV Hồi sức COVID-19 chia sẻ thêm rằng, anh và các đồng sự phải ráng nhịn, không uống nước thoải mái như thường nhật thì mới có thể “ứng phó” nổi với “hoàn cảnh nghiệt ngã” mỗi ngày chỉ được “múa hát” 2 cữ. Hiện nay, “thành trì điều trị COVID-19” đã hoàn tất giai đoạn 1 với 460 giường, trong đó có 120 giường hồi sức, cùng 651 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên; đến giai đoạn 2 sẽ tăng lên tổng cộng 700 giường. “Kệ, giờ ngành Y tế còn đang khó nên ráng ráng xí, chớ uống nước thoải mái, thì đào đâu ra đồ bảo hộ để múa với hát…”- lãnh đạo BV Hồi sức COVID-19 hài hước nói.
Mừng rỡ vì được… “BV trả về”
Trong lĩnh vực điều trị, nghe đến mấy chữ “BV trả về” là ai nấy đều… rụng rời tay chân. Hoa mỹ thì nói vậy, chứ với người dân mà hỏi thăm nhau thì đều bảo “bác sĩ chê luôn rồi”. Nhà có người nằm BV mà nghe mấy chữ “BV trả về” thường bắt đầu liên hệ dịch vụ tang lễ cho kịp. Ấy vậy mà, bệnh nhân trong BV Hồi sức COVID-19 nghe tin “BV trả về”, thì ai nấy mặt mày hớn hở…
Số là, F0 tùy triệu chứng lâm sàng, từ không triệu chứng, đến triệu chứng nhẹ, rồi triệu chứng vừa vừa, sau cùng là triệu chứng nặng, nguy kịch mà được “bố trí” cách ly ở các BV thuộc 5 tầng điều trị khác nhau. F0 được các BV Điều trị COVID-19 “tầng dưới” chuyển đến BV Hồi sức COVID-19 thường là rất nặng và nguy kịch. Sau thời gian điều trị hồi sức tích cực để bảo toàn tính mạng, rồi thuyên giảm dần gọi là “chuyện độ”, từ độ nặng, nguy kịch sang độ vừa vừa, nên sẽ được BV Hồi sức COVID-19 trả về “tầng dưới” để tiếp tục điều trị. Tóm lại, F0 nặng, nguy kịch mà nghe “BV trả về” là biết mình sống chắc, nên mới mừng rỡ hớn hở ra mặt. Từ ngày 16/7 tới ngày 20/7, chỉ trong 4 ngày, đã có 106 trường hợp F0 nặng, nguy kịch được “BV trả về” và con số này đang tăng mỗi ngày.
Với các bác sĩ ở BV Hồi sức COVID-19, nghe tin “BV trả về” thì cũng mừng ra mặt. Lý do là, cứ mỗi trường hợp F0 khỏe hơn được trả về tuyến dưới lại trống ra một giường để đón F0 nặng, nguy kịch mới. Là “thành trì cuối cùng” trong điều trị COVID-19 ở TP.HCM và sau này là của cả khu vực Nam bộ, nên những F0 nặng, nguy kịch có chỗ nằm ở BV Hồi sức COVID-19 là có thêm cơ hội sống. Do vậy, việc “BV trả về” càng nhiều, thì ngoài những người đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần mang tên COVID-19, cũng đồng nghĩa lại có thêm nhiều người khác sẽ tiếp tục được cứu chữa tại đây.