12/03/2024 07:27

Chuyển đổi số trong quản lý, quản trị giáo dục nghề nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn nhân lực số phải là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn, vững về đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế.

Cuộc cách mạng Khoa học – Công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế tri thức. Tốc độ đổi mới và trình độ ứng dụng tri thức quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Khoa học - Công nghệ trở thành động lực cơ bản của sự phát triển Kinh tế - Xã hội. Sự phát triển của khoa học - công nghệ làm thay đổi mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục, đồng thời đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải cung cấp được nguồn nhân lực có trình độ cao.

 

Khi chuyển dần sang nền kinh tế tri thức và trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định. Các lý thuyết về nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: áp dụng công nghệ mới, phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đó là quá trình nâng cao năng lực của con người về mọi mặt thể lực, trí lực, tâm lực

Trước thực tế trên, các nền kinh tế nói chung và các công ty đã đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ, tự động hoá và mô hình làm việc mới để xử lý và vượt qua thách thức về vấn đề lao động. Xu hướng này tác động rất mạnh tới tăng năng suất lao động của nền kinh tế. Thị trường lao động được cơ cấu lại theo chiều hướng loại bỏ các công việc "lặp đi lặp lại" có quy trình đơn giản, bằng những công việc đòi hỏi trình độ, kỹ năng và tay nghề cao hơn, đòi hỏi phải thực hiện tái cơ cấu kinh tế và lực lượng lao động.

 

Quá trình tái cơ cấu này là động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, đòi hỏi thị trường lao động phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động cho phù hợp với quá trình tái cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong làn sóng ứng dụng công nghệ, AI và đổi mới sáng tạo. Việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường lao động

Ngày 11/6/2023, Ủy ban Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định 2550/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu: Chuyển đổi số trong GDNN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nhằm triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, tạo ra đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

 

Chuyển đổi số, quản lý số và quản trị số trong hệ thống GDNN, những nội dung cần đầu tư, nâng cao năng lực bao gồm: đầu tư hạ tầng số, quản trị số và giáo dục số theo lộ trình, phục vụ việc quản lý hồ sơ giáo dục, tuyển sinh trực tuyến, sử dụng nền tảng học và thi trực tuyến, thư viện bài giảng điện tử... Qua đó, góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý cho nhà trường và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp cho người dân, tạo đột phá về chất lượng đào tạo, tăng nhanh số lượng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động giai đoạn mới.

Nguồn nhân lực số phải là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn, vững về đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn nhân lực số của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ các chương trình chuyển đổi số.

 

Quá trình hội nhập với các trào lưu đổi mới mạnh mẽ trong GDNN đang diễn ra ở quy mô toàn cầu, tác động đến nước ta, tạo cơ hội thuận lợi cho nước ta có thể nhanh chóng tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, những mô hình GDNN hiện đại, tận dụng các kinh nghiệm quốc tế để đổi mới và phát triển, thu hẹp khoảng cách giữa nước ta với các nước khác. Hợp tác quốc tế được mở rộng tạo điều kiện tăng đầu tư từ các nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp nước ngoài cho giáo dục, tăng nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo, tạo thời cơ để phát triển GDNN.

Yêu cầu phát triển kinh tế trong thập niên tới không chỉ đòi hỏi số lượng mà còn đòi hỏi chất lượng cao của nguồn nhân lực. Để tiếp tục tăng trưởng vượt qua ngưỡng các nước có thu nhập thấp, Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng với vai trò trung tâm kinh tế trọng điểm phải cấu trúc lại nền kinh tế, phát triển các loại sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao. Quá trình này đòi hỏi phải có đủ nhân lực với trình độ thích hợp. Mặc dù 62,7% dân số trong độ tuổi lao động, nhưng trình độ của lực lượng lao động  còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, cả về năng lực nghề nghiệp và kỹ năng sống, còn thiếu nhân lực trình độ cao ở nhiều lĩnh vực. Cơ cấu đội ngũ lao động qua đào tạo chưa hợp lý. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu hợp lý tạo nên sức ép rất lớn đối với giáo dục và giáo dục nghề nghiệp.

 

Do đó, cần các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực như: Sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

Các trường thuộc hệ thống GDNN tại TP. Hồ Chí Minh đang tích cực thực hiện định hướng chung là: Xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN cụ thể tại trường giai đoạn 2024-2030; Phát triển chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế; Phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN và đổi mới phương pháp dạy và học; nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Tiến hành hướng dẫn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ số cho tất cả những người làm công tác giảng dạy, như kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin,... trên môi trường số.

 

Bên cạnh đó, triển khai nền tảng, giải pháp phần mềm quản lý, kết nối trao đổi dữ liệu với phần mềm quản lý trường theo mã định danh và cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, hướng đến việc sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến có sự thống nhất, đồng bộ của trường trên nền tảng dùng chung. Xây dựng hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số GDNN TP. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội./.

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/chuyen-doi-so-trong-quan-ly-quan-tri-giao-duc-nghe-nghiep-tai-thanh-pho-ho-chi-minh.html