Trong vòng 5 năm trở lại đây, bộ mặt của ngành bán lẻ Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Mở đầu cho sự liên kết hợp tác giữa các DN Việt với nhau là “mối nhân duyên” giữa 2 tập đoàn Masan Group và Vingroup để trở thành 1 tập đoàn sản xuất và bán lẻ lớn của Việt Nam. Đây là “một phép cộng đẹp” cho sự thay đổi nhận thức về hợp tác giữa các DN bán lẻ Việt. Sự hợp tác này còn làm giảm bớt các chi phí sản xuất, bán hàng, đem lại giá bán có lợi nhất cho người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN bán lẻ Việt Nam.
Chưa hết, liên tục trong 1-2 năm gần đây, các DN Việt đã vươn lên để mở rộng thị phần bán lẻ. Cụ thể, giữa năm 2018, SG Coop đã mua lại toàn bộ hệ thống mạng lưới của Auchan trước khi họ rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Vincom Retail của Vingroup đang sở hữu trên 80 trung tâm trên toàn quốc và gần như không có đối thủ trong phân khúc bán lẻ này. Hay chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+ với hơn 2.500 điểm bán đang tăng tốc với những cú bắt tay liên kết của The CrownX là đơn vị vận hành chuỗi bán lẻ trực thuộc Masan.
Doanh nghiệp bán lẻ Việt đang chiếm được phần lớn thị phần nội địa.
Với những thực tế trên có thể thấy, hiện các DN bán lẻ nội đã tự giác liên kết với nhau và họ đã tìm thấy những điểm mạnh của nhau đế phát triển. Đặc biệt là họ đã có nhiều sức mạnh hơn trước để có những cơ hội thâu tóm các công ty nước ngoài trong ngành phân phối bán lẻ.
Theo nhận xét của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, các DN bán lẻ hàng đầu Việt Nam hiện nay đã phát triển bán hàng đa kênh theo kịp sự phát triển của thời đại công nghệ số. Đồng thời, họ cũng tự phát triển sản xuất để đưa hàng hóa nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng đi thẳng từ sản xuất tới bán lẻ, giảm trung gian, giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh về giá trên thị trường. “Một trong những điểm yếu nhất của hệ thóng phân phối Việt Nam mà nhiều năm chưa được khắc phục, nay một số các DN bán lẻ Việt đã bước đầu khắc phục được và triển khai rất tốt, có bài bản”, ông Phú nói.
Giữ thị phần còn khó hơn!
Mặc dù đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng khích lệ, tuy nhiên theo ông Phú, ngành bán lẻ Việt khi đã giành được thị phần đã khó, nhưng giữ được thị phần còn khó hơn. Các DN Việt cần phải tự giác hoàn thiện mình về mọi mặt, từ đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại khang trang, đáp ứng với nhu cầu của thời đại công nghệ số để tiếp tục phát triển nhanh trong lĩnh vực bán lẻ.
“Bán lẻ phải luôn luôn gắn kết với vùng sản xuất hàng hóa Việt, nhất là hàng nông sản thực phẩm mà Việt Nam đang có thế mạnh, đó cũng chính là đảm bảo ổn định cho đầu vào của hệ thống phân phối Việt. Giữa sản xuất và nhà bán lẻ Việt phải có mối quan hệ giao dịch mua bán một cách minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh”, ông Phú lưu ý.
Hiện nay, trước những khó khăn rất lớn do tác động của dịch Covid-19, việc mở rộng hệ thống phân phối trong nước đón hàng hóa nhất là hàng nông sản, thực phẩm đang là điều vô cùng cần thiết. Điều này sẽ giải quyết được đầu ra khi thu hoạch, giảm bớt những thiệt hại không đáng có cho người sản xuất, bà con nông dân bởi những đợt giải cứu hàng năm thường xuyên xảy ra.
Chính vì thế, các hệ thống phân phối, các nhà bán lẻ Việt Nam cần có chủ trương ưu tiên cho hàng hóa Việt. Hàng hóa nông sản thực phẩm cần có được sự cam kết tiêu thụ của các nhà bán lẻ mà không bị ép giá, ép cấp hoặc đưa những mức chiết khấu cao vô lý đối với hàng hóa kí gửi đại lý, gây thiệt hại cho người sản xuất.
Các DN bán lẻ hàng đầu Việt Nam hiện nay đã phát triển bán hàng đa kênh theo kịp sự phát triển của thời đại công nghệ số.
Bên cạnh đó, các DN bán lẻ Việt Nam hiện nay đa phần vẫn là các DN nhỏ và vừa, chưa có những tập đoàn bán lẻ lớn nên sự hợp tác, liên doanh liên kết một cách chân thành và có trách nhiệm là một điều hết sức cần thiết. Điều này sẽ xây dựng được thương hiệu bán lẻ Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, gây dựng niềm tin lâu dài cho người tiêu dùng.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, hiện nay đã thấy rất rõ ràng bức tranh sáng sủa của ngành bán lẻ Việt Nam. Vì vậy, đã đến lúc các DN Việt hãy cùng nhau tự tin vẽ lại bản đồ bán lẻ Việt Nam, cùng nhau hành động, làm chủ vững chắc hệ thống phân phối và sẵn sàng mở cửa rộng thuận tiện để đón hàng Việt vào phục vụ người tiêu dùng.
“Hệ thống bán lẻ Việt Nam đang đóng góp khoảng 14% GDP và giải quyết công ăn việc làm cho từ 6-7 triệu người, đóng góp phần quan trọng cho nền kinh tế. Chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng, trong thời gian tới, bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn, góp phần vào việc thực hiện những mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế của đất nước từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo”, ông Phú tin tưởng./.