Các nhà nghiên cứu Trung Quốc muốn phóng hơn 20 tên lửa lớn nhất của họ với mục đích làm chệch hướng quỹ đạo đường đi của các tiểu hành tinh, một hành động có thể coi là rất quan trọng để xử lý những thiên thạch đang trên đường va chạm với Trái Đất. Tại trung tâm Khoa học Không gian Quốc gia của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra trong các nghiên cứu mô phỏng, 23 tên lửa Trường Chinh 5 tấn công cùng lúc có thể làm chệch hướng một tiểu hành tinh lớn ra khỏi quỹ đạo ban đầu của nó với khoảng cách bằng 1,4 lần bán kính Trái Đất. Được biết, các nhà khoa học đã tính toán dựa trên các dữ liệu từ Bennu, thiên thạch quay quanh Mặt Trời với mức độ thiệt hại ảnh hưởng đến toàn cầu.
Tên lửa Trường Chinh được xem là chìa khoá mở đường cho tham vọng không gian ngắn hạn của Trung Quốc, từ việc cung cấp các module trên trạm vũ trụ cho đến phóng tàu thăm dò lên Mặt Trăng và Sao Hoả. Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã phóng thành công 6 tên lửa Trường Chinh 5, với một số lo ngại về sự an toàn khí quyển do tên lửa cuối cùng gây ra khi nó quay về Trái Đất vào tháng 5.
Theo giáo sư Alan Fitzsimmons đến từ Trung tâm Nghiên cứu Vật lý Thiên Văn tại đại học Queen Belfast nhận xét ý tưởng làm chệch hướng quỹ đạo tiểu hành tinh là một khái niệm khá hay. Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu kỹ hơn trước khi chính thức thực hiện. Ước tính hiện tại có khoảng 1% khả năng một tiểu hành tinh rộng 100m sẽ tấn công Trái Đất trong 100 năm tới. Việc thay đổi đường đi của thiên thạch có nguy cơ rủi ro thấp hơn so với việc làm nổ tung nó bằng vũ khí hạt nhân. Bởi cách xử lý đó có thể tạo ra các mảnh vỡ nhỏ hơn mà không hề làm thay đổi hướng đi của chúng, vì thế mối đe doạ vẫn tồn tại.
Ngoài ra, khoảng từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, Mỹ sẽ phóng một tàu vũ trụ do robot điều khiển để đánh chặn 2 tiểu hành tinh có quỹ đạo tương đối gần với Trái Đất. Sau đó, tàu vũ trụ của NASA sẽ hạ cánh xuống thiên thạch nhỏ hơn để xem quỹ đạo của tiểu hành tinh đã thay đổi bao nhiêu. Nếu thành công, đây sẽ là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên nhân loại thay đổi quỹ đạo của một thiên thể.
Theo Reuters