01/09/2023 08:12

Dịch chuyển lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất Việt Nam, là trung tâm kinh tế, xã hội và có tốc độ phát triển dân số ngày càng gia tăng. Theo kết quả điều tra ngày 1/4/2009, dân số TP. Hồ Chí Minh là 7.162.864 người (chiếm 8,34% dân số Việt Nam), mật độ dân số trung bình 3.419 người/km2. Năm 2019, dân số TP. Hồ Chí Minh tăng lên đạt 8.993.082 người, đến tháng 7/2021 thì dân số TP. Hồ Chí Minh đạt 9.077.158 người.  

So với năm 2009 dân số của TP. Hồ Chí Minh đã tăng 1.800.000 người, trong đó, tỷ lệ nam giới chiếm 48,9% và nữ giới chiếm 51,3%. Theo tính toán của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, dân số TP. Hồ Chí Minh năm 2023 ước tính là 9,5 triệu người, trong đó lực lượng lao động là hơn 4,8 triệu người, chiếm 50,8% tổng dân số (tăng khoảng 200.000 người so với năm 2022).

Theo thống kê, TP. Hồ Chí Minh có 286.336 doanh nghiệp (trong đó có trên 92% doanh nghiệp có quy mô lao động nhỏ và siêu nhỏ), 465.348 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể hoạt động với 4.729.917 lao động làm việc trong các thành phần kinh tế.

Số người làm việc trong khu vực phi chính thức khá lớn, chiếm gần 1/3 số lao động tham gia hoạt động kinh tế. Thực tế, số lượng doanh nghiệp và lực lượng lao động tham gia làm việc trong các thành phần kinh tế trên địa bàn Thành phố xếp vào hạng đông nhất cả nước (Niên giám thống kê năm 2020 - 2022: Số lượng doanh nghiệp chiếm 42,8%, số lao động chiếm 31,2% so với cả nước).

Lực lượng lao động thông qua ngành nghề thì hiện tại sẽ có sự phân chia theo 3 lĩnh vực khác nhau, cụ thể:

- Khu vực I: Thuộc ngành nông - lâm - ngư, thì đang giảm nhanh hơn so với trước những năm 1989, lao động thuộc nhóm ngành này đang có những lựa chọn xu hướng chuyển dịch sang các ngành mới hơn.

- Khu vực II: Các ngành nghề về công nghiệp và xây dựng, số lượng dân cư thuộc lao động ở ngành II là 41.3% dân số. Mức phát triển tương đối ổn định và thuộc mức rất cao.

- Khu vực III: Các ngành dịch vụ, hiện nay ngành dịch vụ tại rất nhiều tỉnh thành và không chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh đang có xu hướng tăng mạnh mẽ hơn, tính đến năm 2021 thì có khảng 51.9% lao động.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng quy mô đào tạo khoảng 300.000 người theo các trình độ khác nhau. Tỷ trọng nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp ở các nhóm ngành, nghề trọng yếu là 40,65% và hơn 50% ở các ngành dịch vụ chủ yếu.

Hiện nay, rất nhiều sở, ngành tăng cường thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động để kết nối với người lao động. Ngoài ra, hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ việc làm tại thành phố cũng tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm việc...

Thực tế do điều kiện phát triển kinh tế toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng sau cơn đại dịch, thì việc biến động lao động trong các doanh nghiệp là rất lớn. Nhất là các doanh nghiệp tư nhân, cứ bình quân tuyển mới 03 lao động thì có 02 lao động đang làm việc trước đó di chuyển đến nơi khác, nên tỷ lệ biến động trong lao động bình quân 40 - 50%.

Đặc biệt, biến động lao động tại các đơn vị sản xuất thuộc ngành may mặc rất cao, bình quân 20%/năm (di chuyển qua lại khoảng 40.000 người/năm), đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước có những đơn vị biến động lao động 50 - 60%/năm. Tỉ lệ lao động thôi việc, bỏ việc, chuyển chỗ làm việc và tỉ lệ tuyển dụng lao động mới cũng rất cao, bình quân 18 - 20%/năm/doanh nghiệp.

Vào tháng 4/2023, khảo sát của VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và Tổ chức di dân quốc tế IOM đối với hơn 1.000 công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai cho kết quả, 15,5% người lựa chọn sẽ về quê trong thời gian tới, 44,6% người lưỡng lự và 39,9% người chưa có dự định. Với lý do lớn nhất để lao động về quê là gần gia đình, thu nhập khi làm việc ở thành phố không đủ trang trải cuộc sống…

Bên cạnh đó, những lý do khác là cơ hội việc làm ở các quê cũng đã tốt hơn khi chính sách mở rộng KCN các tỉnh, không tập trung ở một số thành phố lớn như trước đây. Chi phí mặt bằng, nhân công ở TP. Hồ Chí Minh và một số khu vực của Đồng Nai, Bình Dương tăng cao, các doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy về các địa phương để có chi phí rẻ hơn, kéo theo lượng lớn lao động hồi hương.

Hằng năm, tại thành phố nhu cầu cần bố trí việc làm có trên 300.000 người, trong đó gần 100.000 người là sinh viên, học sinh tốt nghiệp đại học và trên 200.000 tốt nghiệp các chương trình giáo dục nghề nghiệp. Trong tổng số nhu cầu tuyển dụng tại thành phố, có trên 40% nhu cầu lao động chất lượng cao với các ngành nghề kỹ thuật công nghệ thông tin, quản lý kinh tế, tài chính, hành chính, giáo dục, y tế…

Các doanh nghiệp tại thành phố hiện tại và trong tương lai cũng có nhu cầu thu hút hàng chục ngàn lao động có tay nghề kỹ thuật, chưa kể các doanh nghiệp mới đầu tư thành lập hoặc đang phát triển cũng cần tuyển một lượng lao động rất lớn. Thị trường lao động thành phố hiện nay và những năm tới có sự chuyển động cả về chất và lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới, việc chuyển dịch này có thể sẽ dẫn đến nhiều người lao động phải chuyển sang công việc khác như, lao động đang làm ngành dệt, may, da giày và một số ngành gia công chế biến…

Quá trình chuyển dịch này sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp tại thành phố luôn trong tình trạng thừa, thiếu nhân lực, chưa ổn định cân đối về số lượng và chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo cung - cầu.

Ngày 5/5/2023, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1717/QĐ-UBND về “Kế hoạch phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030”. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87% vào năm 2025 và đạt 89% vào năm 2030; phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4% vào năm 2025 và đạt dưới 3% vào năm 2030; tỷ lệ thất nghiệp với thanh niên thành thị ở mức thấp (dưới 4%); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội hàng năm đạt 7%/năm.

Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh sẽ đầu tư, phát triển hệ thống giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin. Cụ thể, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 85% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT được hướng nghiệp; đến năm 2030, tỷ lệ này đạt trên 95%.  

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các ban ngành liên quan phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 45% lao động được hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu có việc làm. Đến năm 2030, tỷ lệ này tăng lên 50%.

Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra, ngày 24/6/2023, tại Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh là thời cơ, tạo điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố trong thời gian tới…

Thực tế cho thấy, nhu cầu nhân lực của các đơn vị, doanh nghiệp tại thành phố tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm...) chiếm 21,97% và 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 54,77%. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực lao động đã qua đào tạo chiếm 86,13% tổng nhu cầu nhân lực.

Theo đánh giá chung, nhu cầu đào tạo và tái đào tạo nhân lực rất lớn trong xã hội. Lực lượng lao động cần được chú trọng tập trung đào tạo và tái đào tạo để cải thiện khả năng đáp ứng, thay thế linh hoạt giữa các thành phần kinh tế và nghề nghiệp.

Chính vì vậy, thành phố luôn chú trọng các giải pháp, các chương trình, chính sách khuyến khích, đào tạo nhân lực, hổ trợ những người không có việc làm, không có chuyên môn nghề nghiệp tích cực học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao giá trị hành nghề, tập trung chiến lược cho công tác đào tạo nghề, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, để đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng một cách toàn diện.

Phải tập trung nâng cao trình độ, chuyên môn kỹ thuật cho người lao động, để bảo đảm quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động là yêu cầu cấp bách, trước mắt cũng như lâu dài phải đảm bảo mang tính “đột phá”; yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc CMCN 4.0… nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh Quốc gia.

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/dich-chuyen-lao-dong-tren-dia-ban-thanh-pho-ho-chi-minh-75.html