Mỗi học sinh hay các bậc phụ huynh thay vì lo lắng cho kỳ thi, nên dành khoảng thời gian quan trọng này để rà soát mọi thông tin, lựa chọn và đưa ra những quyết định đúng đắn, cụ thể cho việc chọn ngành học, hệ đào tạo, chọn trường sao cho phù hợp là cần thiết và nên làm ngay.
Bước vào mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển đại học và các hệ giáo dục nghề nghiệp năm 2024, đa số thí sinh cùng gia đình đang tích cực hy vọng, trông chờ kết quả thi tốt để đạt được những điều mong muốn vào hệ đại học, trường đại học danh tiếng.
Tuy nhiên, một sự thật là dù điểm thi cao hay thấp sẽ không phải điều quan trọng đối với đại đa số học sinh có nguyện vọng bước tiếp vào giảng đường đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chính vì vậy, mỗi học sinh hay bậc phụ huynh thay vì lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp thì nên dành khoảng thời gian quan trọng này để rà soát mọi thông tin, lựa chọn và đưa ra những quyết định đúng đắn, cụ thể việc chọn ngành học, hệ đào tạo, chọn trường sao cho phù hợp là cần thiết và nên làm ngay.
Thị trường lao động hiện tại và tương lai đóng vai trò chủ động trong việc huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Những định hướng nghề nghiệp phù hợp nhất với từng học sinh là luôn dựa trên việc phân tích, đánh giá, đặc điểm, tính cách… của từng cá nhân đó. Cùng với việc đưa ra lời khuyên sát thực nhất cho các em nên chọn ngành, chọn trường phù hợp để có cơ hội việc làm tốt nhất.
Chọn và học nghề trong "Định hướng nghề nghiệp" luôn là vấn đề trăn trở đối với học sinh cuối cấp. Vậy chọn nghề, học nghề, chọn trường như thế nào cho đúng?
1. Hãy dành thời gian cho việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Cùng những cách thức chọn ngành học, cần tìm hiểu thật kỹ về các ngành nghề đó, triển vọng nghề nghiệp, thu nhập, kỹ năng công việc và năng lực phù hợp.
2. Loại bỏ những vấn đề sai lầm khi chọn nghề như: Chọn nghề chỉ có ở bậc đại học; chọn nghề mà không biết nghề đó có phù hợp với mình không; chọn nghề không phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích của mình; chọn nghề mà không quan tâm đến điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội.
3. Để xác định bản thân mình phù hợp với ngành nghề nào, căn cứ trên cơ sở năng lực, sở thích, quan điểm, nguyên tắc sống của chính mình, các trắc nghiệm sẽ đưa ra những tư vấn và dự đoán về nghề nghiệp hoặc nhóm ngành nghề phù hợp.
4. Nhu cầu thị trường lao động đối với ngành nghề đó, những phẩm chất và kỹ năng cần thiết.
5. Những nơi đào tạo ngành nghề theo các bậc đào tạo (Đại học, Cao đẳng, Trung cấp...), học phí, học bổng, bằng cấp, cơ hội học lên cao, thời gian đào tạo và phương thức đào tạo. Chọn trường là một trong những nền tảng quan trọng, học sinh cần xem xét các yếu tố về học phí, địa lý, chuẩn đầu vào, môi trường học, sự trải nghiệm, thực hành, chương trình học, tốt nghiệp và việc làm…để chọn trường phù hợp với bản thân.
6. Xác định năng lực học tập, căn cứ vào điểm học tập, nhất là các môn học tuyển sinh đầu vào của ngành định theo học, xác định khả năng trúng tuyển.
Chọn sai ngành nghề, chạy đua với xu thế bằng cấp, cho rằng học ngành nghề nào cũng được miễn là học Đại học, có bằng cấp các trường “hot” là sẽ có việc làm, các trường công lập là sẽ có việc làm, các trường danh tiếng là sẽ có việc làm, sẽ thành công... thì đó còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp.
Hệ luỵ của lối suy nghĩ “mặc kệ” mọi thứ, miễn trường công là được, chọn trường không phù hợp, học ngành không yêu thích, đam mê…dẫn đến nhiều quyết định sai lầm khi lựa chọn nghề nghiệp. Hậu quả đầu tiên đó là khi trải qua các giai đoạn học, thực hành và trải nghiệm đã khiến nhiều học sinh - sinh viên rơi vào tâm trạng chán nản, muốn bỏ cuộc. Chính yếu tố tâm lý này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất học tập, kìm hãm nhiệt huyết của các bạn khi ra trường. Hậu quả tiếp theo là việc thất nghiệp sẽ hiển nhiên xảy ra, khi giá trị nghề nghiệp ở mức thấp so với yêu cầu thị trường lao động.
Yếu tố quyết định giữa cung - cầu là giá trị sức lao động, giá trị ngành nghề. Dù ở bất cứ ngành nghề nào, ở trình độ nào đi nữa không có giá trị ngành nghề, thì giá trị sức lao động sẽ bị thị trường lao động loại bỏ. Do đó, việc chọn ngành, chọn nghề, chọn cấp bậc học nghề phù hợp là hết sức là quan trọng.
Các hệ đào tạo đang được mở ra liên thông, cho nên không ai có thể tự nói rằng học cao thì sẽ thành công cao, học thấp thì không thành công, bởi thị trường lao động luôn có nhu cầu tất cả cấp bậc chuyên môn kỹ thuật có giá trị hành nghề. Vì vậy, học sinh -sinh viên chọn học ở hệ đào tạo nào thì cần rèn luyện mình hoàn thiện năng lực nghề nghiệp theo hệ đào tạo, đó là yếu tố then chốt giúp mỗi người bước bào thị trường lao động một cách hiệu quả nhất và chắc chắn có nhiều cơ hội thăng tiến.
Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chọn nghề, chọn hệ đào tạo, chọn trường phù hợp yêu thích, tạo động lực học tập theo đuổi đam mê và tránh lãng phí thời gian, tiền bạc cho gia đình và xã hội. Đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập kinh tế, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng tăng thì kỹ năng tay nghề, năng lực làm việc mới là tiêu chí quan trọng nhất khi tuyển dụng nhân sự nghề nghiệp.
Chọn nghề là chọn cho mình một tương lai, hay có thể nói đó là sự chọn lựa những điều quan trọng nhất cho một hành trình tương lai, bởi giá trị sức lao động, giá trị ngành nghề không nằm trên tấm bằng, càng không phải được quy định bởi tên trường tốt nghiệp in trên tấm bằng ấy... mà nó là những quyết định đúng đắn cho sự thành bại trong cuộc đời của mỗi người thanh niên.
Nếu với năng lực tích cực đáp ứng và sự say mê theo đuổi ngành học và nghề nghiệp dự định thì dù trên con đường học tập và sau đó trong quá trình tham gia thị trường lao động, nếu có gặp những khó khăn, trở ngại, người thanh niên sẽ nỗ lực để vượt qua thay vì buông xuôi và không ngừng học hỏi, rèn luyện tốt hơn từng ngày từ kiến thức đến các kỹ năng để thành công với nghề nghiệp từ chính bản thân hoàn thiện.
Chúc tất cả các sĩ tử mùa thi 2024 thành công tốt đẹp! Các bạn hãy tin rằng, không có sự thất bại vì đời người cùng nghề nghiệp là một hành trình, mỗi người luôn luôn có nhiều con đường để lựa chọn phù hợp, đủ khả năng và thời gian thực hiện những điều mơ ước.
Dự báo 9 nhóm ngành nghề cần nhiều nhu cầu nhân lực:
1. Công nghệ thông tin kỹ thuật phần mềm - An toàn thông tin, khoa học dữ liệu, Robot và trí tuệ nhân tạo.
2. Công nghệ kỹ thuật cơ khí (Cơ điện tử) -Tự động hóa, Điện - Điện tử, Công nghệ vật liệu, năng lượng.
3. Kiến trúc, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng môi trường; Thiết kế, Mỹ thuật số.
4. Công nghệ Nông - Lâm, Công nghệ Thủy - Hải sản, Công nghệ Thực phẩm, Công nghệ Sinh học - Hóa (Dược, Sinh, Mỹ phẩm, Thực phẩm...).
5. Quản trị Kinh doanh, Kinh tế - Thương mại, Tài chính, Marketing, Truyền thông đa phương tiện.
6. Du lịch và lữ hành, Dich vụ Nhà hàng - Khách sạn.
7. Sư phạm giáo dục, Sư phạm kỹ thuật.
8. Y, Dược, chăm sóc sức khỏe, thầm mỹ, chăm sóc sắc đẹp.
9. Khoa học Xã hội, Luật, Tâm lý xã hội, Nhân sự và Ngôn ngữ.