Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng chủ lực trong nước cho rằng còn nhiều điểm bất hợp lý, chưa minh bạch, mâu thuẫn với Luật và Nghị định trong dự thảo các quy định về văn phòng EPR.
Ngày 7-11, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các công ty môi trường đô thị, các tổ chức môi trường và các doanh nghiệp, hiệp hội tái chế, xử lý chất thải.
Tại Hội thảo, đại diện các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tái chế, xử lý chất thải đã tham gia góp ý trực tiếp vào từng nội dung của dự thảo Thông tư.
Trước khi hội thảo này diễn ra, 12 Hiệp hội ngành hàng đã gửi thư kiến nghị nhằm nêu ra những điểm bất hợp lý của Thông tư. Tại hội thảo, nhiều ý kiến tiếp tục thể hiện sự nghi ngại khi đóng góp một số tiền quá lớn trong khi việc sử dụng như thế nào vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Đại diện các Hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp bày tỏ nhiều băn khoăn xoay quanh các quy định về Văn phòng EPR.
Việc áp dụng thu tiền Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ chính thức áp dụng từ đầu năm 2023. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, đa số doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng vẫn còn băn khoăn về tính hiệu quả và cách thức tổ chức khi triển khai thực hiện.
Cụ thể, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp cho rằng, việc cho phép văn phòng EPR sử dụng các khoản đóng góp của doanh nghiệp để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì vào các mục đích khác như mua sắm tài sản, truyền thông, giao dịch, đối ngoại, hội thảo… là trái với nguyên tắc, đi ngược lại và không thống nhất với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Các quy định về Văn phòng EPR theo Dự thảo cũng được cho là làm tăng biên chế, có quyền hạn rất lớn và không phù hợp với Nghị định 08/2022/NĐ-CP, nhưng chưa có quy định trách nhiệm, chưa có cơ cấu tổ chức rõ ràng.
Do đó, các Hiệp hội kiến nghị sửa lại Dự thảo cho đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất của Dự thảo và không phát sinh biên chế. Không sử dụng tiền đóng góp của doanh nghiệp sai mục đích, cần quy định rõ ràng cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm của Văn phòng EPR.
Bên cạnh đó, dự thảo chưa có quy định về Hội đồng EPR, khó thực hiện việc giám sát, sử dụng khoản đóng góp được minh bạch, đúng mục đích. Vì vậy, cần bổ sung quy định về quy chế tổ chức và hoạt động Hội đồng EPR quốc gia trong Dự thảo.
Các ý kiến còn cho rằng các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, mức hỗ trợ chưa được quy định rõ ràng, không có quy định thời hạn phải giải ngân khoản đóng góp của doanh nghiệp để tái chế sản phẩm, xử lý chất thải, nguồn kinh phí quản lý hành chính còn trái với Nghị định 08.
Giải đáp một số kiến nghị, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết sẽ tiếp thu kiến nghị phân cấp quản lý, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường.
Liên quan đến thành phần Hội đồng EPR và tỷ lệ trích quỹ để vận hành bộ máy, ông Phan Tuấn Hùng cho biết đây là thẩm quyền của Bộ trưởng và quyết định của Thủ tướng nên hiện chưa thể trả lời.
Liên quan đến chi phí văn phòng EPR, ông Hùng cho hay, trong thông tư này cũng không quy định chi phí cụ thể, mà sẽ quy định chung là chi phí quản lý hành chính. Việc sẽ trích bao nhiêu phần trăm từ quỹ bảo vệ môi trường để phục vụ quản lý thì sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.