Tại buổi tọa đàm 'Ẩm thực truyền thống: An & lành' diễn ra tại TPHCM ngày 12-4, các diễn giả cho rằng nên đưa những món ăn truyền thống, đặc sản vùng miền thành sản phẩm đặc trưng gắn với du lịch.
Tại tọa đàm do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, cho rằng ẩm thực truyền thống truyền từ đời này sang đời khác và có thay đổi đôi chút theo thời gian. Để ẩm thực truyền thống có thể sản xuất quy mô công nghiệp lớn hay công nghiệp nhỏ thì an toàn thực phẩm luôn được đặt ra trong quá trình sản xuất.
Theo chuyên gia Thành, trong ẩm thực truyền thống chia thành hai loại. Loại thứ nhất là những món ăn có thể công nghiệp hóa được, doanh nghiệp cần dùng chất bảo quán theo đúng quy định, không chạy theo thời thượng.
“Nếu là món ăn đặc trưng rất khó đẩy lên quy mô công nghiệp nhưng nếu “huyền thoại hóa” để trở thành sản phẩm phục vụ cho du lịch thì sẽ rất tuyệt vời”, ông Thành nói.
“Ví dụ tôi qua Manila thấy họ có chiến lược quảng bá hột vịt lộn, trứng ung rất chuyên nghiệp. Vì vậy, khi du khách tới Manila là phải tìm món hột vịt lộn hoặc trứng ung để thưởng thức. Ngay cả món trứng ung cũng có ba cấp, phân loại rất rõ ràng ”, ông Thành chia sẻ.
Theo chuyên gia Thành, thực phẩm truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác, và cũng có thay đổi đôi chút. Ngay các làng, các thôn cạnh nhau, nhưng cách làm món ăn truyền thống cũng khác nhau, mỗi người một "chiêu gia truyền". Ông cho rằng, mỗi địa phương, vùng miền đều có món ăn truyền thống mà cần đưa vào các tour du lịch khai thác ẩm thực
“Ẩm thực truyền thống của miền Bắc rất nhiều, món ăn truyền thống thì rất tinh tế", ông Thành nói. Mình nên biến những món ăn truyền thống thành sản phẩm đặc trưng để khi khách nước ngoài tới Việt Nam phải tìm đến món ăn ấy", ông Thành nói.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) chia sẻ, năm 2023, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu những món ăn truyền thống của Việt Nam như mắm ruốc, mắm cà pháo, bánh bột lọc, bánh nậm… mục tiêu của doanh nghiệp sẽ biến cà pháo trở thành một sản phẩm du lịch tại tỉnh Tây Ninh.
Theo ông Tuấn, với mong muốn đưa trái cà pháo của Việt Nam thành một món ăn đi ra thế giới giống như kim chi của Hàn Quốc, đơn vị nhận được sự đồng ý của chính quyền tỉnh Tây Ninh hỗ trợ với các tour du lịch tham quan Núi Bà Đen kết hợp chiêm ngưỡng “vườn cà pháo nhà Sông Hương Foods".
"Dự kiến, dự án “vườn cà pháo nhà Sông Hương Foods" với đĩa cà pháo khổng lồ lớn nhất Việt Nam được trưng bày ở phòng trưng bày trên diện tích 5hecta sẽ khởi công vào ngày 28-4 và dự kiến hoàn thành trong 3 tháng.
Khi ấy, khách du lịch tham quan núi Bà Đen sẽ đến tham quan "vườn cà pháp nhà Sông Hương Foods" để nghe giới thiệu về quy trình làm ra các sản phẩm cà pháo… Sau đó, du khách tham quan vườn cà để biết quy trình trồng cà, tưới tiêu, hái cà, hiểu được để làm ra một hũ cà phải mất 21 ngày như thế nào... và chụp ảnh check-in.
Trái cà pháo gần giống như kim chi Hàn Quốc, mà kim chi từ lâu đã trở thành sản phẩm quốc dân. Vì vậy, tôi sẽ nỗ lực từng bước, làm cho trái trở thành sản phẩm du lịch. Nếu kết hợp được với du lịch chắc chắn sẽ trở thành một sản phẩm độc đáo để thu hút du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về ẩm thực truyền thống Việt Nam”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt, cho rằng mỗi người dân, địa phương cần có ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy yếu tố bản địa. Tuy nhiên, có không ít món ăn và ẩm thực truyền thống được một bộ phận, nhất là giới trẻ đổi mới sáng tạo theo lối sống hiện đại, đáp ứng xu hướng thị trường hiện nay nên dần mất yếu tố bản địa. Chính vì vậy, những món ăn hay ẩm thực truyền thống có tính "hàn lâm", gia truyền cần được nghiên cứu, bảo tồn đúng giá trị để góp phần tôn vinh những tinh hoa đặc sắc trong nền ẩm thực, văn hóa của người Việt, cũng như giới thiệu đến công chúng và du khách quốc tế.