23/08/2022 06:16

Đừng xem là 'thất bại' khi không vào được Đại học!

Với tâm lý phần lớn các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình có được một “suất” trong giảng đường Đại học mà chưa quan tâm đúng mức tới sở trường, năng lực học tập của con em mình. Gia đình tự hào vì nuôi nhiều đứa con đi học Đại học, chứ không tự hào vì nuôi con đi học nghề. Nhiều em thi 3 - 4 lần mới vào được Đại học, học xong chưa chắc đã phát huy hết năng lực được khi làm việc. Vì vậy, đa số các học sinh hiện nay đều chọn con đường Đại học để tạo dựng tương lai cho mình đang là thực trạng của thị trường lao động Việt Nam.

Thật ra nhu cầu nhân lực trình độ Đại học tại nước ta là rất cần thiết cho yêu cầu phát triển và hội nhập, tuy nhiên vấn đề ở đây là nguồn nhân lực chất lượng cao và sự phù hợp nghề của mỗi người mới đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đối với học sinh, việc chọn cấp bậc học là một quy trình khoa học, nếu năng lực kiến thức phổ thông có những hạn chế thì nên đi học nghề, thời gian ngắn, chi phí rẻ, lại dễ kiếm việc làm. Thật sự chúng ta phải dần thay đổi tâm lý này.

Đến nay vẫn tồn tại hiện tương học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông có phần chủ quan trong việc lựa chọn nghề, chọn ngành, chọn trường học. Điều này xuất phát từ tâm lý chỉ hướng vào các trường Đại học và phải đậu vào bất kỳ ngành học nào "cũng được". Ngay cả phụ huynh cũng quan niệm rằng, tấm bằng Đại học sẽ giúp con em có việc làm tốt…

Tuy nhiên, với thị trường lao động hiện nay thì bước chọn nghề, chọn ngành, chọn trường học chỉ là khởi đầu cho con đường tìm kiếm thành công tương lai. Trong nhiều năm qua, hoạt động hướng nghiệp của các tổ chức nhà nước, đoàn thể - xã hội và nhà trường giúp rất nhiều cho tâm lý của học sinh có ít nhiều đã thay đổi khi dần tiếp nhận những thông tin thực tế về xã hội, về thị trường lao động, chấp nhận sự thay đổi từng năm… Từ đó làm cơ sở cho việc chọn nghề, chọn ngành và chọn trường học cho tương lai của con em.

Cho nên, việc quyết định gắn bó với một ngành học, một hệ đào tạo, các em học sinh cần phải tìm hiểu kỹ từ khối thi, điểm chuẩn, chương trình học… đến công việc cụ thể sau này mình sẽ làm gì, điều kiện đáp ứng, tuyển dụng, phát triển nghề nghiệp và tương lai. Bên cạnh đó, là nhu cầu nhân lực ngành này trong những năm sau khi tốt nghiệp ra trường, phải xác định Đại học không phải là con đường duy nhất để thành đạt trong sự nghiệp và định hướng phát triển cho tương lai.

Chúng ta đang sống trong một xã hội, một thị trường lao động luôn chuyển động, phát triển và thay đổi liên tục. Các bậc học đang được mở ra việc liên thông, liên kết, nên không ai có thể tự nói rằng, học cao thì sẽ thành công cao, học thấp thì không thành công. Bởi vì thị trường lao động luôn đón nhận tất cả các cấp bậc chuyên môn, kỹ thuật, từ cao đến thấp, tùy người, tùy năng lực, vị trí công việc, điều kiện, môi trường… Ai học ở bậc nào thì cần rèn luyện mình hoàn thiện ở bậc đó, và quan trọng là phát huy tối đa khả năng của sẵng có và điều kiện học tập của mình.

Nhiều học sinh khi nghe tin mình không trúng tuyển Đại học thì thấy mọi cánh cửa như khép lại, rơi vào trạng thái chán nản, thậm chí có suy nghĩ và hành động tiêu cực... Trong khi, có nhiều con đường khác đi đến thành công. Như đã trao đổi học, con đường Đại học cũng là một cách, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều đường đi khác, cánh cửa khác mở tới tương lai cho chúng ta. Thị trường lao động đang theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, theo đó doanh nghiệp cần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chứ không đặt nặng bằng cấp. Do đó, không vào Đại học thì có thể học Cao đẳng, Trung cấp, học nghề... miễn sao là mỗi người thanh niên phải thực sự giỏi ở nghề mình lựa chọn.

Cơ hội việc làm của các học viên tại các trường hệ giáo dục nghề nghiệp (Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp nghề) là khá cao trên 90 %. Mức lương khởi điểm của một người tốt nghiệp từ 07 triệu - 10 triệu đồng/thàng trở lên. Có doanh nghiệp còn trả lương cao hơn tùy vào tay nghề, ngoại ngữ và thái độ làm việc của người lao động đó.

Thực tế, đối với thị trường lao động, mỗi hệ đào tạo (Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp nghề) đều có điều kiện, chức năng và thị phần nhất định. Do đó, trong quá trình cung cấp thông tin, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhà trường, gia đình… Các chuyên gia hướng nghiệp cần nhấn mạnh để học sinh hiểu rõ tài năng và sự thành công không đồng nghĩa với việc cứ chọn hệ đào tạo cao mà là từ sự tích lũy kiến thức, nỗ lực, thực hành, có kỹ năng, tư duy của mỗi người kết hợp để tạo nên.

Thế giới nghề nghiệp, các ngành nghề, hệ đào tạo đều rất đa dạng trên thị trường hiện nay. Để giúp học sinh có thông tin đầy đủ về các nhóm ngành nghề, hệ đào tạo cùng những yêu cầu cụ thể, những năng lực có thể đáp ứng đối với từng ngành nghề, rất cần sự đồng hành của cả nhà trường, gia đình và xã hội. Qua đó, giúp học sinh tiếp nhận được thông tin một cách thực tế, đầy đủ, chính xác và có quyết định phù hợp cho bản thân.

Trần Anh Tuấn
(Chuyên gia Dự báo  nhân lực - Chủ tịch HĐKH Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực).

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/dung-xem-la-that-bai-khi-khong-vao-duoc-dai-hoc-75.html