27/06/2022 06:38

Gắn kết đào tạo nghề với thị trường lao động và việc làm bền vững

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư vào các vấn đề trọng yếu, ưu tiên tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng, xem xét lại chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp theo cách vận hành mới về nguồn nhân lực, giúp tăng trưởng và đáp ứng nhu cầu phát triển các lĩnh vực trong thời kỳ CMCN lần thứ tư.

Nhân lực tay nghề phải chấp nhận đổi mới theo điều kiện thực tế

Những thách thức trên đã có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, thị trường đòi hỏi nhân lực có tay nghề và chấp nhận đổi mới theo điều kiện thực tế. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo nhân lực phải làm sao tạo ra những lao động đáp ứng được thị trường lao động và những yêu cầu của xã hội.

Theo dự báo năm 2022 và những năm tới, nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh và phát triển mạnh, do đó nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn hay các tổ chức quốc tế sẽ gia tăng thường xuyên các nhu cầu tuyển lao động, bao gồm vai trò quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, giỏi nghề, có trình độ cao...

Nhưng riêng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ phát triển một cách năng động, tăng quy mô, quan tâm đến chính sách phát triển nhân lực bền vững… thì đây là môi trường phù hợp với đa số người lao động là sinh viên, học sinh mới ra trường cần nhiều kinh nghiệm và kỹ năng nghề.

Việc gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp là cần thiết trong việc đào tạo lao động phù hợp

Vì vậy, hiện tại các trường đào tạo nghề cũng trong quá trình chuyển đổi, tạo gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu xã hội và hoàn thiện các tiêu chuẩn đào tạo nghề… để người lao động có điều kiện thuận lợi hơn trong học nghề, tìm việc mới hoặc tái đào tạo nghề gắn nhu cầu việc làm.

Theo góc nhìn riêng, các doanh nghiệp luôn cần nhân lực có kỹ năng nghề và thái độ làm việc tốt để đáp ứng nhu cầu phát triển, sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… thì việc đòi hỏi chất lượng nghề vẫn là yêu cầu hàng đầu đối với người lao động và cơ sở đào tạo nghề phải tích cực hoàn thiện các điều kiện đào tạo, liên tục cập nhật mới xu hướng của thị trường...

Vì thế việc gắn kết đào tạo nghề là rất quan trọng, không chỉ để tìm đầu ra cho sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp mà còn là nơi tốt nhất cho học sinh, sinh viên được thực tập, thực hành tại doanh nghiệp, được học kỹ năng sát với thực tế, được tiếp cận thiết bị mới và hình thành thái độ làm việc tốt...

Thị trường lao động luôn chú trọng đội ngũ lao động tay nghề

Song song đó, các trường đào tạo nghề (đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề) cũng phải tích cực gắn kết với doanh nghiệp hơn nữa trong việc tổ chức đào tạo, tái đào tạo cho người lao động được thực hành, thực tập, trải nghiệm và học hỏi.

Ngoài ra, liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp sẽ giúp cho sinh viên, học sinh hiểu được thị trường lao động và có sự chọn lựa phù hợp hơn cho việc làm, cũng như phấn đấu để ổn định cho công việc lâu dài hơn.

Vì qua đào tạo nghề sẽ góp phần hình thành và tăng cường chất lượng hoạt động của các trung tâm, câu lạc bộ quan hệ doanh nghiệp, các trường đào tạo nghề… để làm tốt vai trò cầu nối giữa đào tạo và sử dụng lao động, từ đó giúp khôi phục thị trường lao động và giải quyết sớm thách thức về con người, về nguồn nhân lực hiện nay.

Từ đó, các hoạt động về thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, tạo dư luận xã hội… sẽ được thực hiện một cách tốt hơn.

Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/gan-ket-dao-tao-nghe-voi-thi-truong-lao-dong-va-viec-lam-ben-vung-75.html