Có thể đánh giá thực trạng hiện nay sự gắn kết giữa doanh nghiệp và các trường học thuộc hệ đại học và hệ giáo dục nghề nghiệp (Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp) như sau:
Phía doanh nghiệp và doanh nhân: Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã tạo điều kiện, chủ động hơn trong việc liên kết với đào tạo như, hỗ trợ nhà trường trong vấn đề thực tập, thực hành cho học sinh, sinh viên... Tuy nhiên, việc đóng góp ý kiến phản hồi về xây dựng chương trình đào tạo để nhà trường có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp vẫn chưa được sự chú trọng, quan tâm.
Phía nhà trường: nhà trường đã chủ động trong việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Tuy vậy việc khảo sát nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp chưa thực sự chính xác vì vậy hiệu quả mang lại cho sự liên kết đào tạo theo yêu cầu chưa cao.
Trên thực tế, sự gắn kết hiện nay chưa có hiệu quả cao, đặc biệt là sự liên kết về công tác đào tạo như cùng nhau ký kết hợp đồng đào tạo và cung ứng lao động, cùng tham gia giảng dạy để sinh viên có thể vừa nắm rõ thực tiễn và lý thuyết, việc cung cấp những thông tin đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động phối hợp chưa thực sự tốt… dẫn đến tình trạng đào tạo chưa thật sự bám sát vào nhu cầu thực tế; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; đa số sinh viên chưa có điều kiện thực hành thực tế…
Như vậy, nhà trường và doanh nghiệp đều cần có một hệ thống thông tin về thị trường lao động, những nhận định đánh giá định kỳ về cơ cấu đào tạo, nhu cầu việc làm và những chính sách của nhà nước.
Sự kết hợp như vậy sẽ đạt được hiệu quả cao và tính thiết thực hơn khi doanh nghiệp và nhà trường có liên kết “đặt hàng” đào tạo, nhằm cung ứng lao động có chất lượng và sự phối hợp đồng bộ từ hai phía.
Tuy nhiên, áp lực đối với các trường càng lớn khi chương trình đào tạo vừa đáp ứng tính chuyên môn trong một lĩnh vực nhất định, vừa đáp ứng tính liên ngành (công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng internet, kiến thức chuyên ngành) và các kỹ năng khác như: khả năng tư duy có hệ thống, khả năng tổng hợp, khả năng liên kết giữa thế giới thực và ảo, khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác liên ngành…
Trong bối cảnh xã hội phát triển, đòi hỏi kiến thức về công nghệ luôn luôn mới, nhanh và thực tiển, việc trang bị tính tự học và ý thức học tập trọn đời càng quan trọng hơn kiến thức của các chương trình đào tạo.
Với góc độ của người nghiên cứu, có nhiều năm kinh nghiệm về nhân lực và thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo Kinh tế Quốc tế xin đề xuất các giải pháp như sau:
1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và những yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
2. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về quản lý nhà nước đối với thị trường lao động.
3. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, hoàn thiện các chỉ tiêu thị trường lao động theo hướng hội nhập. Đặc biệt vừa phản ánh được đặc điểm thị trường lao động Việt Nam vừa phải so sánh được điều kiện phát triển của các nước trên thế giới. Đồng thời, đẩy mạnh thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động, thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn và dài hạn. Liên tục cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khoá đào tạo... giúp người lao động, nhất là thanh niên, sinh viên lựa chọn và quyết định học nghề, tiếp cận việc làm phù hợp.
4. Tăng cường công tác hướng nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng đào tạo, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục đầu tư đồng bộ cho đào tạo nhân lực thuộc các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, các ngành, nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực thông qua năng lực đào tạo kỹ năng, thực hành, tiếp cận...
5. Nâng cao tính chuyên môn của người làm công tác tư vấn việc làm theo quy trình hướng nghiệp - thông tin việc làm và giới thiệu việc làm bằng phương pháp công nghệ khoa học và chất lượng.
Trần Anh Tuấn
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo Kinh tế Quốc tế