Trong những ngày gần đây, nhiều khách hàng giảm hoặc dừng mua dầu thô của Nga vì lo ngại gặp rắc rối với các lệnh trừng phạt trong tương lai hoặc lo các chuyến tàu chở dầu từ Nga có thể gặp nguy hiểm do chiến sự căng thẳng tại Ukraine.
Điều đáng chú ý là hiện cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều không trừng phạt hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, theo báo chí quốc tế.
Giá dầu trên thị trường thế giới liên tục leo thang trong vài ngày gần đây. Dầu Brent Biển Bắc trong phiên giao dịch sáng ngày 2-2 đã vượt mốc 112 đô la/thùng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu thô của Nga không thể bán sản phẩm ra thị trường trong các phiên mở thầu, vì không có khách đặt mua.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, dầu thô Nga bị cả giới giao dịch, bảo hiểm, chủ tàu xa lánh, dù lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây chưa nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Ngày 1-3, Công ty kinh doanh hàng hóa Trafigura Group (Singapore) chào bán một lô hàng dầu chất lượng cao Urals của Nga có giá thấp hơn 18,6 đô la mỗi thùng so với dầu chuẩn quốc tế Brent. Đây được xem là mức chiết khấu sâu chưa từng thấy của loại dầu này nhưng vẫn không có khách hàng đặt mua.
Shin Kim, người đứng đầu bộ phận phân tích sản xuất và cung cấp dầu tại S&P, nói: “Mức chênh lệch giá này rõ ràng phản ánh thị trường không sẵn sàng tiếp nhận dầu thô của Nga khi có nguy cơ Nga chịu thêm các biện pháp trừng phạt có thể tác động gián tiếp hoặc trực tiếp đến việc mua hoặc cung cấp dầu”.
Trong khi đó nhà phân tích tại RBC Capital Markets Michael Tran cho rằng các thương nhân cũng đang gặp khó khăn trong việc mở tín dụng thư ở các ngân hàng để mua dầu của Nga.
Trước đó hôm 28-2, hãng Surgutneftegaz (Nga) đã chào bán hai lô dầu thô Urals (dầu đặc trưng của Nga), với thời hạn giao hàng là ngày 10 và 11-3. Nhưng đã không có bất kỳ một nhà giao dịch nào tham gia bỏ thầu. Đây là lần thứ hai Surgutneftegaz thất bại trong việc tìm kiếm khách hàng, sau lần chào thầu thất bại trong tuần trước dù đã chào mức giá giảm 15 đô la Mỹ/thùng so với dầu Brent ở thời điểm giao ngay.
Theo các chuyên gia năng lượng, nhiều khách hàng ngại mua dầu Urals vì họ hoặc các công ty vận tải biển, ngân hàng và công ty bảo hiểm của họ lo lắng về việc phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây hiện nay hoặc những lệnh trừng phạt có thể áp đặt sau này.
Một số khách hàng khác sợ bị ảnh hưởng hình ảnh nếu mua dầu thô của Nga. Và một số khách hàng khác lo các chuyến tàu chở dầu từ Nga có thể bị trúng tên lửa trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine leo thang.
Cuối tuần trước, một tàu chở dầu treo cờ của Moldova bị trúng tên lửa khi đang di chuyển trong vùng biển quốc tế ở Biển Đen. Các thuyền viên đã phải mặc áo phao để nhảy xuống biển thoát thân và sau đó, được các tàu cứu hộ của Ukraine giải cứu. Vẫn chưa rõ phía nào phóng quả tên lửa này.
Là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Saudi Arabia, Nga cung cấp khoảng 10% nguồn cung dầu thô toàn cầu. Việc các khách hàng châu Âu hạn chế mua dầu của Nga sẽ tác động lớn đến nguồn thu ngân sách của nước này, vốn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực năng lượng.
Mỹ và các đồng minh không trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga để bảo đảm nguồn cung năng lượng trên thị trường.
Tuy nhiên, Tom Kloza, Giám đốc phận phân tích năng lượng toàn cầu của Công ty Oil Price Information Service , cho biết: “Các bên hỗ trợ xuất khẩu dầu như các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty tàu chở dầu và thậm chí là các công ty dầu đa quốc gia trên thực tế đã thực hiện lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga”.
Kloza cho biết có thể mất vài tuần trước để nắm rõ hoạt động xuất khẩu dầu của Nga đã giảm đáng kể như thế nào và liệu xu hướng giảm có được duy trì hay không, nhưng “rõ ràng đóng góp của Nga vào nguồn cung dầu thế giới đã bị hạn chế”.
Việc các khách hàng châu Âu tìm mua các loại dầu khác để thay thế cho dầu Urals của Nga đã đẩy giá dầu Brent tăng mạnh trong những ngày gần đây. Lúc 5 giờ chiều 3-3, theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent đang giao dịch ở mức hơn 115 đô la/thùng.
Phần lớn dầu của Nga được vận chuyển từ các cảng ở Biển Đen để bán sang châu Âu. Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu tại hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, nói: “Dầu Urals của Nga là một trong những sản phẩm dầu đầu tiên vượt mốc 100 đô la/ thùng trong năm nay. Nhưng cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine giờ đây khiến nó trở thành loại dầu rủi ro nhất trên thị trường”.
Các công ty lọc dầu của châu Âu đang mua dầu nhiều hơn từ những nơi như Saudi Arabia, buộc các công ty năng lượng Nga bán giảm giá dầu thô của họ cho các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Trước khi chiến tranh xảy ra ở Ukraine, hầu hết trong số 5 triệu thùng dầu xuất khẩu hàng ngày của Nga phân bổ cho thị trường châu Âu.
Dầu thô Urals của Nga là mặt nguồn nguyên liệu đầu vào chủ lực cho các nhà máy lọc dầu ở các nước Bắc Âu và Địa Trung Hải như Đức, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Phần Lan, Lithuania, Hy Lạp, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria, theo S&P Global Platts.
Tuy nhiên, môt số nhà máy lọc dầu ở vùng Scandinavia, bao gồm Neste Oyj của Phần Lan và Preem của Thụy Điển, cho biết họ đã ngừng mua dầu của Nga. Cũng có một số thông tin về việc các nhà máy lọc dầu Ấn Độ yêu cầu các thương nhân tìm nguồn dầu thay thế cho dầu của Nga.
Theodore Rolfvondenbaumen, người phát ngôn của Neste Oyj, nói: “Do tình hình hiện tại và sự không chắc chắn trên thị trường, Neste Oyj hầu như đã thay thế dầu thô của Nga bằng các loại dầu thô khác, chẳng hạn như dầu Biển Bắc”.
Báo cáo của Công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects cho hay một số hãng tàu chở dầu không muốn nhận đơn hàng vận chuyển dầu từ các cảng thuộc vùng Baltic và Biển Đen vì các hãng bảo hiểm không cung cấp cho họ có điều khoản bảo hiểm chiến tranh.
Theo Energy Aspects, một khi khách hàng nắm rõ toàn bộ các biện pháp trừng phạt Nga, lượng giao dịch dầu thô của Nga bị đóng băng có thể giảm xuống khoảng mức 20% nhờ sự nhập cuộc của khách hàng ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Tuy nhiên đối với một quốc gia xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5% lượng dầu tiêu thụ toàn cầu, đó vẫn còn con số lớn, gây căng thẳng thêm cho thị trường dầu mỏ.
(Nguồn từ Oilprice, New York Times, Bloomberg, Financial Times,...)