28/04/2024 11:36

Gia tộc Nhà Lớn Long Sơn tích cực phát huy truyền thống "Tốt đời - Đẹp đạo"

Ông Nhà Lớn (hay còn gọi là Ông Trần), tên thật là Lê Văn Mưu, sinh năm 1856 tại làng Thiên Khánh, tổng Hà Thành, quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên (nay là xã Tân Khánh Hòa, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Năm Giáp Thìn 1904, Ông khởi xướng phong trào phúc lợi xã hội, đến nay tròn 120 năm.

Cổng Tam quan Nhà Lớn Long Sơn

Năm 1891, ông Lê Văn Mưu cùng dòng tộc, gia quyến bằng những chiếc thuyền lớn đã vượt biển từ Hà Tiên đến Vũng Vằn (nay là xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh BR-VT). Ông định cư ở đó một thời gian và làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh, làm muối, bán muối để mưu sinh…

Thời gian sau đó Ông về sống tại khu Rạch Dừa (nay là Phường 10, TP. Vũng Tàu), rồi tìm đến vùng Núi Nứa - một ốc đảo hoang vắng, sình lầy (nay là xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh BR-VT) để khai hoang, lập ấp, trồng lúa, khai thác gỗ và chọn nơi đây là nơi định cư lâu dài. Từ đó, vùng đầm lầy hoang vắng Núi Nứa đã trở thành những đồng ruộng bao la, màu mỡ, dân cư tìm đến an cư ngày một đông hơn, nhất là sau nạn thiên tai lũ lụt miền Tây Nam Bộ vào năm 1904.

Câu hoành phi "Thái Lê sáng tạo" tại Nhà Khách (cũ) 

Cũng từ đây (năm Giáp Thìn 1904), Ông khởi xướng và thực hiện chương trình phúc lợi xã hội. Không ít lần Ông cùng bá tánh chở lúa đi cứu trợ bà con nhiều tỉnh miền Tây bị thiên tai lũ lụt.

Sống tại vùng Núi Nứa (nay là xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh BR-VT) được hơn 30 năm thì Ông mất vào năm 1935. Sau khi Ông qua đời, Gia tộc Nhà Lớn và bá tánh Ông Nhà Lớn tôn thờ Ông tại Chánh điện Nhà Thánh Nhà Lớn, bá tánh và cộng đồng nhân dân tôn kính Ông là “Ông Nhà Lớn” hoặc “Đức Ông”.

Đạo Ông Trần không phải là một tổ chức tôn giáo, mà là “tín ngưỡng họ tộc...”. Ông Nhà Lớn không khai đạo, nhưng tất cả mọi người vẫn tôn vinh là Đạo Ông Trần, vì giáo huấn con cháu và bá tánh theo “Kỷ cương - Phép nước - Tu nhân - Học phật”, "Đoàn kết - Nhân nghĩa - Nhẫn hoà", là “Tinh hoa hội tụ” từ các tôn giáo và giáo phái khác như, Phật giáo, Khổng giáo, Giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương (do Đức Phật Thầy Tây An sáng lập), giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa (do Bổn sư Ngô Lợi sáng lập)...

Bên cạnh đó, Đạo Ông Trần hội tụ những tinh hoa sáng đẹp, đầy tính nhân văn, kế thừa nên đã tồn tại nhiều nét đẹp văn hóa còn thể hiện qua quần thể Kiến trúc - Văn hóa độc đáo tại Khu Nhà Lớn Long Sơn (Đền ông Trần).

Đạo Ông Trần giáo huấn con cháu, bá tánh luôn phải biết “Tứ ân phải trả”, làm người phải luôn “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”... Còn muốn đạt đạo thì phải rèn luyện, thực hành Bát nhẫn (8 điều Nhẫn) của Đức Phật Thầy Tây An và Lục hòa (6 điều Hòa) của Phật Giáo. Đồng thời, con cháu và bá tánh theo Đạo Ông Trần phải coi trọng nghĩa tình, không tham lam, ích kỷ, thọ ân thì phải biết trả nghĩa, để không hỗ thẹn...

Đạo Ông Trần và Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Nhà Lớn (Đền Ông Trần) đã góp phần tích cực trong phong trào bảo vệ, phát huy di sản văn hóa, truyền thống Giáo dục - Nhân nghĩa và tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Nhà Lớn Long Sơn đã được nhà nước Việt Nam công nhận là Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa, xếp hạng cấp Quốc gia vào năm 1991.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của Ông Nhà Lớn để lại hơn 100 năm qua, bà Lê Thị Đến - kế thừa nội tộc tông chi 2 của Ông Nhà Lớn phối hợp với Bếp ăn Tình thương xã Long Sơn và bá tánh Ông Nhà Lớn đã tích cực thực hiện công tác phúc lợi xã hội, mang nhiều ý nghĩa thiết thực.

Tháng 4/2024, xâm nhập mặn, hạn hán ở Bến Tre đang gây nên tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Là địa phương ven biển của tỉnh Bến Tre, huyện Bình Đại phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, đã và đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.

Trước tình trạng hạn mặn và thiếu nước sinh hoạt, địa phương đã chủ động thực hiện quyết liệt và kịp thời nhiều giải pháp nhằm hạn chế những thách thức của thiên tai. Với tinh thần tương thân tương ái, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cơ sở, cộng đồng xã hội đã đoàn kết, chung sức sẻ chia từng can nước giúp người dân. Nhiều mạnh thường quân, các tổ chức, nhà hảo tâm đã chung tay giúp người già neo đơn, người nghèo vượt qua khó khăn, ổn định đời sống trong mùa hạn mặn.

Ngày 27/4, phát huy truyền thống tốt đời, đẹp đạo của Gia tộc Nhà Lớn Long Sơn, bà Lê Thị Đến, các gia đình bà Lê Thị Hạnh, ông Lê Văn Lòng, ông Lê Văn Đẳng thuộc Gia tộc Nhà Lớn Long Sơn (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh BR-VT) phối hợp với Bếp ăn Tình thương xã Long Sơn và bá tánh Ông Nhà Lớn, mạnh thường quân (bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - đại diện công ty Green World) đã trao tặng 430 phần quà (gồm tiền mặt, nước uống tinh khiết, mì tôm…), trị giá hơn 100 triệu đồng cho người già neo đơn, khó khăn bị ảnh hưởng bởi hạn mặn tại xã Thừa Đức, xã Thạnh Phước (thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre).

Trong đó, riêng bà Lê Thị Đến - Gia tộc Nhà Lớn tặng 350 xuất quà, trị giá gần 60 triệu đồng; Các gia đình bà Lê Thị Hạnh, ông Lê Văn Lòng, ông Lê Văn Đẳng - Gia tộc Nhà Lớn tặng quà tổng số tiền hơn 19 triệu đồng; Bếp ăn Tình thương xã Long Sơn và bá tánh Ông Nhà Lớn tặng quà tổng trị giá 27,5 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết đại diện Công ty Green World trao quà với tổng số tiền 4,5 triệu đồng.

Tại buổi lễ trao quà tại 02 xã Thạnh Phước và Thừa Đức, bà Lê Thị Đến chia sẻ: Năm Giáp Thìn 1904, Ông Nhà Lớn chở lúa từ Long Sơn nay thuộc TP. Vũng Tàu (tỉnh BR-VT) về miền Tây, trong đó có tỉnh Bến Tre, Tiền Giang để cứu trợ cho bà con bị lũ lụt… Năm nay 2024, cũng là năm Giáp Thìn, đúng tròn 120 năm, kể từ ngày Ông Nhà Lớn về Bến Tre cứu trợ, nhưng bà con không bị lũ lụt mà là hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt, đời sống gặp nhiều khó khăn, nên tôi và các nhà hảo tâm sẵn lòng chia sẻ khó khăn với bà con địa phương nơi đây.

“Là người kế thừa truyền thống về các giá trị nhân nghĩa, tốt đời, đẹp đạo của Ông Nhà Lớn, Gia tộc và bá tánh Nhà Lớn cùng đem “dư huệ” của Ông Nhà Lớn tặng đến cô bác, những người già neo đơn, nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, tương trợ, chia sẻ... Không chỉ vậy, hiện nay chính sách của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm cũng luôn quan tâm, đồng hành và chia sẻ với cuộc sống bà con. Do đó, mong cô bác hãy sống lạc quan vui vẻ, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn do thiên tai khí hậu này”, bà Lê Thị Đến - Gia tộc Nhà Lớn nói.

Đại diện chính quyền địa phương, ông Trần Văn Phục - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Đại phát biểu lời cảm ơn: Hôm nay được sự chia sẻ của bà Lê Thị Đến cùng với bá tánh Ông Nhà Lớn Long Sơn để tiếp tục truyền thống nhân nghĩa của Ông Nhà Lớn, và trước tấm lòng “tương thân tương ái” đã đến trao tặng những phần quà thiết thực cho bà con địa phương, những người già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 xã Thạnh Phước và Thừa Đức, thay mặt MTTQ huyện Bình Đại, chính quyền xã, tôi xin tri ân những tấm lòng cao cả của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đã cùng chia sẻ với người dân địa phương, giúp bà con vượt qua khó khăn trong mùa hạn mặn năm nay.

Tiếp nối truyền thống của ông cha, phong trào phúc lợi xã hội được bà Lê Thị Đến - kế thừa nội tộc tông chi 2 Ông Nhà Lớn liên tục phát huy, còn thể hiện qua chương trình “Cây mùa Xuân”. Gần đây nhất, vào dịp Tết Giáp Thìn 2024, Bà Lê Thị Đến đã phối hợp với Bếp ăn Tình thương xã Long Sơn và bá tánh Ông Nhà Lớn, Ban công tác xã hội bệnh viện Bà Rịa trao quà cho những hộ nghèo, học sinh vượt khó học giỏi, sinh viên vượt khó tại 3 xã thuộc tỉnh BR-VT với tổng giá trị hơn 55 triệu đồng.

Trước đó, mùa dịch Covid năm 2021, bà Lê Thị Đến - Gia tộc Nhà Lớn đã chuyển những khoản tiền hỗ trợ đến UBND các xã để phân phát cho bà con nghèo miền Tây.

Năm 2022, bà Lê Thị Đến - Gia tộc Nhà Lớn tổ chức chương trình “Cây mùa Xuân” cho 11 xã miền Tây. Bà đã phát nhiều phần quà trao tặng cho người già neo đơn, các em học sinh vượt khó học giỏi. Đặc biệt, bà Lê Thị Đến - Gia tộc Nhà Lớn và Bếp ăn Tình thương xã Long Sơn và bá tánh Ông Nhà Lớn còn tài trợ kinh phí xây dựng nhiều cầu ở xã Nhị Bình, xã Điềm Hy, xã Phước Lập (tỉnh Tiền Giang).

Năm 2023, nhân dịp Đại hội “Mừng Đảng, mừng Xuân” và kỷ niệm 120 năm Ông Nhà Lớn khởi xướng chương tình nhân nghĩa phúc lợi xã hội, và Ông đi cứu tế lũ lụt miền Tây (năm Giáp Thìn 1904), bà Lê Thị Đến - Gia tộc Nhà Lớn đã phối hợp với Bếp ăn Tình thương xã Long Sơn và bá tánh tài trợ kinh phí xây dựng 05 mái ấm yêu thương tại địa phương nơi bà sinh sống (tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh BR-VT).

Từ những việc làm ý nghĩa phát huy truyền thống của Ông Nhà Lớn, bà Lê Thị Đến - kế thừa nội tộc tông chi 2 Ông Nhà Lớn đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi bà thực hiện công tác phúc lợi xã hội tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Hương Nguyên

Link nội dung: https://eranet.vn/gia-toc-nha-lon-long-son-tich-cuc-phat-huy-truyen-thong-tot-doii-depp-dao.html