Hàng triệu người ở Ấn Độ bị đẩy vào cảnh nghèo đói vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, giới nhà giàu nước này vẫn bỏ túi hàng chục tỷ USD bất chấp đại dịch.
Suy thoái kinh tế và làn sóng Covid-19 đã đẩy hàng triệu người Ấn Độ vào cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, theo CNN, giới siêu giàu của nước này thậm chí còn giàu có hơn. Chỉ riêng trong năm 2021, họ bỏ túi thêm hàng chục tỷ USD.
Tỷ phú Mukesh Ambani - Chủ tịch Reliance Industries - hiện nắm giữ khối tài sản trị giá 80 tỷ USD, tăng khoảng 15 tỷ USD so với một năm trước đó, theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index.
Ông Gautam Adani, nhà sáng lập Adani Group, cũng chứng kiến tài sản tăng vọt từ 13 tỷ USD hồi năm ngoái lên 55 tỷ USD.
Giới nhà giàu kiếm bộn tiền
Hai tỷ phú Ấn Độ hiện là người giàu thứ nhất và thứ tư tại châu Á. Tài sản của họ lớn hơn GDP của một số quốc gia. Trong khi đó, Ấn Độ chiếm hơn 50% sự gia tăng trên toàn cầu về tỷ lệ đói nghèo năm 2020. Những con số đã phơi bày tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng ở nền kinh tế thứ ba châu Á.
Trong năm 2020, đế chế của ông Ambani đã huy động được hàng tỷ USD từ các gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon như Google và Facebook. Họ đặt cược vào tham vọng của vị tỷ phú Ấn Độ nhằm thống trị thị trường Internet lớn nhất thế giới.
CNN nhận định ông Ambani không "cô đơn trên đỉnh cao". Tỷ phú Adani - nhà sáng lập Adani Group - điều hành các công ty từ cảng, hàng không vũ trụ, nhiệt năng đến than đá.
Ấn Độ đang ở giai đoạn mà 15 công ty hàng đầu chiếm 90% lợi nhuận của đất nước
- Ông Saurabh Mukherjea, nhà sáng lập Marcellus Investment Managers
Tương tự Reliance, Adani Group đã có một năm thành công trên thị trường chứng khoán Ấn Độ. Giá cổ phiếu của Adani Enterprises tăng vọt 800% kể từ tháng 6/2020.
Giới đầu tư lạc quan về khả năng đặt cược của ông Adani vào những lĩnh vực then chốt đối với mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ tướng Narendra Modi.
Theo ông Saurabh Mukherjea - nhà sáng lập Marcellus Investment Managers, sự thống trị của ông Ambani và Adani không đáng ngạc nhiên. Hầu hết lĩnh vực chính ở Ấn Độ hiện được thống trị bởi một hoặc hai công ty lớn.
"Ấn Độ đang ở giai đoạn mà 15 công ty hàng đầu chiếm 90% lợi nhuận của đất nước", ông Mukherjea chia sẻ. Trong khi đó, phần lớn người dân đang phải đối mặt với những thay đổi nghiêm trọng vì đại dịch.
Khi Ấn Độ áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động kinh doanh và di chuyển để ngăn chặn virus lây lan, tỷ lệ tài sản của nhóm 1% người giàu nhất đã tăng lên hơn 40% vào cuối năm 2020, theo báo cáo được Credit Suisse công bố hồi tháng 6.
Báo cáo chỉ ra hệ số Gini - thước đo về bất bình đẳng - đã tăng từ 74,7 vào năm 2000 lên 82,3 trong năm ngoái. Con số này càng cao thì mức chênh lệch thu nhập càng lớn.
Ấn Độ đã rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế hồi năm ngoái sau đợt phong tỏa kéo dài gần 4 tháng. Khi nền kinh tế gượng gậy, tỷ lệ thất nghiệp vẫn đạt mức kỷ lục trong tháng 5/2021.
Người nghèo sống lay lắt
Theo một phân tích của Pew Research Center, tầng lớp trung lưu của Ấn Độ đã giảm 32 triệu người vào năm ngoái do kinh tế lao dốc.
"Trong khi đó, số người nghèo ở Ấn Độ (với thu nhập dưới 2 USD/ngày) ước tính tăng 75 triệu người do suy thoái vì dịch bệnh", chuyên gia nghiên cứu Rakesh Kochhar tại Pew chia sẻ. Mức tăng chiếm đến 60% trên toàn cầu và chưa tính đến làn sóng Covid-19 thứ hai. Để so sánh, sự thay đổi mức sống ở Trung Quốc khiêm tốn hơn, theo ông Kochhar.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Azim Premji (bang Karnataka, Ấn Độ), nhiều hộ gia đình mất thu nhập phải giảm lượng thức ăn, bán tài sản và vay mượn từ bạn bè, người thân.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng khoảng 230 triệu người Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo đói (thu nhập dưới 5 USD/ngày) vì đại dịch.
Một báo cáo được các nhà nghiên cứu công bố hồi tháng 5 đã đưa ra những con số đáng báo động về tác động của đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ. Theo đó, 90% số người được hỏi thừa nhận rằng phải giảm lượng thức ăn tiêu thụ vì phong tỏa.
"Đáng lo ngại hơn, 20% cho biết lượng thức ăn vẫn không được cải thiện sau 6 tháng dừng phong tỏa", báo cáo nhấn mạnh.
Tổ chức Abdul Latif Jameel Poverty Action Lab đã nghiên cứu tác động của đại dịch đối với người lao động tại những bang nghèo nhất ở Ấn Độ. Theo một báo cáo về lao động trẻ đến từ bang Bihar và Jharkhand, dịch Covid-19 khiến các lao động nam mất công việc làm công ăn lương, còn lao động nữ bị đẩy khỏi lực lượng lao động.
"Những lao động nữ chỉ có một cơ hội duy nhất để làm việc. Giờ đây, họ phải về nhà và bị giục kết hôn", phó giáo sư Clément Imbert tại Đại học Warwick chia sẻ.
Giờ, khi Ấn Độ có nguy cơ đối phó với làn sóng Covid-19 thứ ba, các nhà nghiên cứu hy vọng chính phủ nước này có thể đưa ra một số biện pháp nhằm giảm tác động đối với những đối tượng dễ tổn thương nhất.