Trong khi hàng hóa của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang bị ùn tắc ở các cửa khẩu biên giới Trung Quốc thì hàng hóa từ nước này đưa vào thị trường Việt Nam tiếp tục tăng cao, dẫn đến cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc bị thâm hụt gần 7 tỉ đô la Mỹ ngay trong tháng đầu năm 2022.
Các sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn đang bị kiểm tra gắt gao với các điều kiện khắc khe nhơn trước khi đưa vào thị trường nước này. Với tình hình này, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhập siêu từ nước láng giềng này lên cao trong năm nay.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của Việt Nam lên đến 10,76 tỉ đô la, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, riêng Trung Quốc chiếm đến 36,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong tháng vừa qua, tức chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng đầu năm 2022.
Đáng chú ý, trong tháng 1-2022, có đến 2 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trị lên đến trên 2 tỉ đô la, gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt 2,3 tỉ đô la (tăng 48%); và máy móc, thiết bị, đạt 2,2 tỉ đô la (tăng 8%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Những nhóm hàng hóa nhập khẩu khác từ Trung Quốc cũng tăng cao và đạt kim ngạch hàng trăm triệu đô la như điện thoại các loại và linh kiện đạt 869 triệu đô la.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 1 vừa qua chỉ đạt 3,9 tỉ đô la, giảm 14,9% (tương đương giảm 700 triệu đô la) so với cùng kỳ 2021. Kết quả này, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 12,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng đầu năm nay.
Ngược lại với nhập khẩu từ nước này, trong tháng vừa qua Việt Nam không có một mặt hàng nào xuất khẩu sang Trung Quốc chạm đến mốc 1 tỉ đô la.
Đáng chú ý, một số nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu có giá trị lớn vào nền kinh tế này còn bị sụt giảm. Đơn cử như nhóm sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện xuất qua nước này chỉ đạt 956 triệu đô la, giảm 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang nước này trong tháng vừa qua.
Hay máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt 760 triệu đô la, giảm 6,6%,…Tuy nhiên đóng góp lớn cho giá trị xuất khẩu của hai nhóm mặt hàng nói trên cũng chủ yếu là từ các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp thuần Việt gần như rất ít tham gia vào chuỗi sản xuất và xuất khẩu này.
Việc giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc bị sụt giảm được giới quan sát cho là không lạ trong bối cảnh từ cuối năm 2021 và thời gian đầu năm 2022, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ở các cửa khẩu biên giới đường bộ gặp nhiều khó khăn, nhất là mặt hàng nông sản.
Các cửa khẩu biên giới đường bộ trong xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai đều xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa nghiêm trọng. Và tình hình này hiện vẫn còn tiếp diễn ở một số cửa khẩu với cả ngàn xe container ùn ứ chờ thông quan.
Đây được xem là một trong những lý do khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nước này bị sụt giảm ngay trong tháng đầu năm.
Mặt khác, từ ngày 1-1-2022, xuất khẩu nông, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam phải thực hiện theo “Lệnh 248” về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và “Lệnh 249” về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Trung Quốc.
Như vậy từ đầu năm nay, doanh nghiệp nước ngoài (bao gồm cả Việt Nam) muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ những quy định được quốc gia này đưa ra mà theo các doanh nghiệp đây là hàng rào kỹ thuật với những quy định khó khăn hơn trước. Điều này dẫn đến hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam qua thị trường nước này trong tháng vừa qua bị "teo tóp" lại.
Theo số liệu của cơ quan hải quan, giá trị hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam trong năm 2021 đạt gần 110 tỉ đô la Mỹ. Đây cũng là năm đầu tiên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của Việt Nam vượt 100 tỉ đô la. Trong năm vừa qua Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 53,92 tỉ đô la.
Theo giới quan sát, nếu những khó khăn nói trên vẫn còn tiếp diễn thì khả năng nhập siêu của Việt Nam từ nước này sẽ tiếp tục tăng cao khi kết thúc năm 2022.