Báo Tuổi Trẻ loan tin, Thanh Hoá có 1.200/7.000 tàu thuyền nằm bất động từ đầu tháng 3 đến nay, trong đó có 555 tàu lớn đánh bắt xa bờ. Báo này nêu con số cụ thể: "Ngư Lộc là xã ven biển huyện Hậu Lộc, có số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa, với 325 tàu, trong có 160 tàu khai thác hải sản xa bờ".
Lý do được nêu là: Do xăng dầu liên tục tăng giá, hầu hết số tàu khai thác hải sản xa bờ sợ lỗ nên không hoạt động. Mỗi chuyến khai thác hải sản xa bờ, tàu phải đi hơn nửa tháng. Chi phí xăng dầu ngày càng cao, công lao động không thể giảm nên nhiều tàu đi khai thác không đủ bù lỗ cho chi phí nhiên liệu, trả tiền nhân công.
Ngoài ra, số tàu thuyền đi về trong ngày cũng không có thu nhập vì chi phí xăng dầu quá cao, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập, cuộc sống của 2.500 lao động bám vào nghề biển ở xã Ngư Lộc.
Ông Nguyễn Văn Bảo - ở thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc - cho hay gia đình ông có tàu cá công suất 450CV. Mỗi chuyến đi biển từ 15-20 ngày, tàu này "ăn" từ 5.000-6.000 lít dầu. Chủ tàu phải thuê 10 lao động với tiền công 400.000 đồng/ngày/người. Tổng chi phí tiền dầu, nhân công cho mỗi chuyến đánh bắt hải sản xa bờ khoảng 200 triệu đồng.
Ở Quảng Ngãi, có khoảng 6.000 tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ, nhưng chỉ có khoảng 2.000 tàu ra khơi.
Ở Kiên Giang có hơn 9.800 tàu đánh cá nhưng có đến 30% số tàu nằm bờ.
Báo Thanh Niên online dẫn lời ông Phạm Văn Hứa - giám đốc Ban quản lý cảng cá Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng: Hiện toàn tỉnh có 988 tàu khai thác thủy hải sản, trong đó có 500 tàu đánh bắt xa bờ. Từ đầu năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng thời tiết, trời nhiều gió, sóng to; cộng với sản lượng mùa vụ giảm nên ngư dân đánh bắt thủy hải sản không lời nhiều.
Đặc biệt gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân sống bằng nghề biển. Có khoảng 30% tàu ghe ở Sóc Trăng thả neo nằm chờ thời. Trong số này có nhiều tàu đang ngoài khơi, do sản lượng thấp, chi phí xăng dầu cao nên neo tàu, không vào đất liền. Cũng theo ông Hứa, một số tàu sau khi ra khơi đánh bắt đã cập cảng bán, cũng không vội trở lại biển như trước đây mà tiếp tục neo bờ chờ đợi, coi giá xăng dầu có giảm hay không rồi mới tính tiếp.
Theo tổng hợp từ Chi cục Thủy sản và Bộ đội biên phòng Tiền Giang, từ ngày 1-2 đến ngày 15-2, toàn tỉnh chỉ có 373 tàu cá ra khơi, trong đó khu vực thị trấn Vàm Láng (tàu ngư dân huyện Gò Công Đông) là 293 tàu, khu vực sông Cửa Đại (tàu ngư dân thành phố Mỹ Tho) 80 tàu. Hàng trăm tàu đang nằm bờ chưa ra khơi và một số tàu ở ngoài khơi Tết không vào bờ