Hơn năm triệu người trên khắp thế giới đã trở thành triệu phú trong năm 2020 bất chấp thiệt hại kinh tế chung từ đại dịch Covid-19.
Hãng tin BBC dẫn báo cáo nghiên cứu của Credit Suisse cho thấy, trong khi nhiều người nghèo trở nên khốn khó hơn, số triệu phú trên toàn cầu tăng 5,2 triệu lên 56,1 triệu người.
Năm 2020, hơn 1% người trưởng thành trên thế giới đã trở thành triệu phú lần đầu. Thị trường chứng khoán phục hồi và giá nhà tăng vọt đã góp phần tăng thêm sự giàu có của họ.
Các nhà nghiên cứu lý giải, việc tạo ra của cải dường như "hoàn toàn tách biệt" khỏi những thảm họa kinh tế của đại dịch. Theo Anthony Shorrocks, nhà kinh tế học và là tác giả của Báo cáo Tài sản Toàn cầu, đại dịch có "tác động ngắn hạn mạnh mẽ đối với thị trường toàn cầu" nhưng điều này "đã bị đảo ngược phần lớn vào cuối tháng 6/2020".
"Sự giàu có trên toàn cầu không những ổn định khi đối mặt với tình trạng hỗn loạn như vậy mà còn tăng nhanh trong nửa cuối năm", ông phản ánh.
Tuy nhiên, chênh lệch giàu nghèo giữa những người trưởng thành càng nới rộng trong năm 2020, và ông Shorrocks cho biết, nếu yếu tố giá tài sản tăng bị loại bỏ khỏi phân tích thì "tài sản hộ gia đình toàn cầu có thể bị giảm".
"Ở những nhóm giàu thấp hơn với tài sản tài chính ít phổ biến hơn, sự giàu có có xu hướng đứng yên, thậm chí suy giảm trong nhiều trường hợp", ông cho biết thêm. "Một số yếu tố cơ bản có thể tự điều chỉnh theo thời gian. Ví dụ, lãi suất sẽ bắt đầu tăng trở lại vào một thời điểm nào đó và điều này sẽ làm giảm giá tài sản".
Cũng theo nghiên cứu của Credit Suisse, tổng tài sản toàn cầu tăng 7,4%.
Kể từ đầu thế kỷ 21, số người có trong tay từ 10.000 USD đến 100.000 USD đã tăng hơn gấp ba lần, từ 507 triệu người năm 2000 lên 1,7 tỷ người vào giữa năm 2020. Thực tế này phản ánh "sự thịnh vượng ngày càng cao của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu ở thế giới đang phát triển".
Nannette Hechler-Fayd'herbe, một giám đốc thuộc Credit Suisse, đánh giá: "Không thể phủ nhận hành động của các chính phủ và ngân hàng trung ương nhằm tổ chức các chương trình chuyển thu nhập khổng lồ để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, và bằng cách hạ lãi suất, họ đã ngăn chặn thành công một cuộc khủng hoảng toàn cầu quy mô lớn".
"Việc các ngân hàng trung ương hạ lãi suất có lẽ có tác động lớn nhất. Đó là lý do chính khiến giá cổ phiếu và giá nhà tăng mạnh, và những yếu tố này trực tiếp tác động đến việc định giá tài sản hộ gia đình của chúng tôi", bà giải thích.
Tuy nhiên, nữ chuyên gia cho rằng những can thiệp đó "đã phải trả giá rất đắt". Bà chỉ ra "nợ công so với GDP tăng 20 điểm phần trăm trên toàn thế giới, thậm chí cao hơn ở nhiều nước".
"Các khoản thanh toán hào phóng từ khu vực công cho các hộ gia đình có nghĩa là thu nhập hộ gia đình khả dụng tương đối ổn định và thậm chí còn tăng ở một số quốc gia", bà Nannette Hechler-Fayd'herbe phản ánh thêm.