Hiện nay, học sinh THPT đang vào giai đoạn quyết định chọn ngành học và chọn trường sao cho phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và việc làm… Chính vì vậy, trong những chương trình truyền thông tại các cơ sở giáo dục, tôi nhận được nhiều câu hỏi, các vấn đề xoay quanh đến ngành học công nghệ, trong đó công nghệ ChatGPT là điển hình.
Tôi xin trao đổi các vấn đề cần thiết như sau:
ChatGPT trong bối cảnh CMCN 4.0, điều chắc chắn là với sự ra đời nhiều hơn của các công cụ AI sẽ dẫn đến thị trường lao động thay đổi, làm cho tất cả các ngành nghề và các lĩnh vực của xã hội đều thay đổi, hay nói cách khác là những ứng dụng công nghệ hóa, hiện đại hóa… sẽ thay đổi.
Thật vậy, công nghệ được phát triển nhằm phục vụ nhu cầu xã hội, ChatGPT có thể thay thế một số công việc đơn giản cần nhìn ở góc độ tích cực, quan trọng là năng lực kỹ thuật và sự sáng tạo là một quá trình phát triển. Trong đó các ngành như marketing và truyền thông quảng cáo có mức độ sử dụng AI cao nhất.
Đánh giá về tác động ChatGPT đến hoạt động kinh doanh, xã hội, cuộc sống, các chuyên gia cho rằng, đây vẫn là câu hỏi mở cần thời gian kiểm nghiệm thêm… Dù vậy, các công nghệ và sản phẩm AI tạo ra như ChatGPT sẽ thay đổi đáng kể một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là những ngành có nhu cầu cần tạo ra nhiều nội dung, văn bản, như giáo dục hay truyền thông, sau đó có thể là nghệ thuật và các ngành khác.
ChatGPT không chỉ tạo ra cơ hội, hỗ trợ rất nhiều cho người dùng mà cũng là thách thức lớn cho những ai chưa vững vàng chuyên môn và làm chủ công nghệ. Đặc biệt là với lĩnh vực truyền thông, các hoạt động trải nghiệm tác vụ Truyền thông cùng ChatGPT tại chương trình sẽ giúp sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện có thể khai phá tiềm năng của công nghệ ChatGPT, ứng dụng vào cuộc sống và công việc. Không kém phần quan trọng, đó chính là cách phòng tránh những rủi ro do ChatGPT đem lại nếu phụ thuộc hoặc lạm dụng vào công nghệ này.
Ngành Truyền thông Đa phương tiện đang là ngành có tốc độ tăng trưởng cao và tạo ra nhiều việc làm với thu nhập cao. Việc làm không chỉ trong nước mà mở rộng ra cả quốc tế trong một thế giới phẳng. Mọi tổ chức bao gồm từ chính phủ tới các đơn vị kinh doanh đều cần sử dụng các phương tiện truyền thông hiệu quả về thông tin.
Để học có hiệu quả chuyên ngành Truyền thông Đa phương tiện, sinh viên cần trang bị kiến thức công dân toàn cầu. Đây là khả năng sử dụng tiếng Anh và các kỹ năng học tập và làm việc trong môi trường quốc tế. Các kỹ năng được kể đến như thái độ làm việc chuyên nghiệp, giao tiếp, đàm phán, tư duy sáng tạo và phản biện, tranh biện, lãnh đạo bản thân.
Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đang từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, tăng cường đổi mới sáng tạo… điều đó đòi hỏi nhiều hơn và cao hơn các kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng xúc cảm xã hội.
Riêng đối với kỹ năng số (bao gồm các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc cho phép con người tiếp cận và sử dụng công nghệ số…) là một trong những yếu tố quan trọng đối với người lao động trong bối cảnh các hình thái, tính chất công việc không ngừng thay đổi như hiện nay. Vì vậy, những động thái trên cũng bắt nguồn từ sự dịch chuyển thời kỳ chuyển đổi số và sẽ trở thành xu thế chủ đạo trong thời đại số hóa.
Hiện tại và tương lai các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao, họ chú trọng ưu tiên tuyển chọn nhân sự có tay nghề, chuyên môn tốt, để ứng dụng công nghệ mới, gia tăng năng suất lao động, cũng như chất lượng công việc.