11/09/2023 07:37

Học, nếu muốn thành công!

Dù học cấp bậc nào, tất cả sinh viên, học sinh đều sẽ phải bước vào thị trường lao động. Mỗi người phải làm sao để có một giá trị hành nghề, giá trị năng lực thì mới thành công. Yếu tố quyết định thành công trong thị trường lao động là mỗi người phải làm sao đưa bằng cấp mình học trở thành kỹ năng nghề nghiệp.

Thuật ngữ “Thành công” (Success) chỉ trạng thái, điều kiện, hay kết quả đáp ứng được hoàn toàn hoặc một phần kỳ vọng. Thành công là đạt được một mục tiêu hoặc những mục tiêu mà mỗi một người phải đặt ra cho mình. Thành công trong sự nghiệp là điều mà chắc chắn ai cũng hướng đến, nhưng tùy vào hoàn cảnh, năng lực, mục tiêu của mỗi người mà sự thành công sẽ ở mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận biết một điều, giữa thành tựu học vấn và sự thành công đo bằng giá trị của đồng tiền, nhưng có sự khác biệt, dù cả hai đều phải “học” nếu muốn thành công. Năng động, nhạy bén, thích nghi với yêu cầu phát triển của cuộc sống là một thuộc tính tất yếu của tài năng, luôn đi cùng với tư duy sáng tạo trong thực tế cuộc sống. Với niềm tin, niềm đam mê chinh phục và sự dấn thân, người tài năng sẽ được đón nhận và tôn vinh khi tìm ra giải pháp và thực hiện để công việc đạt chất lượng cao.

Sự thành công trong thị trường lao động đối với những người biết chọn ngành, chọn nghề, chọn cấp bậc học phù hợp, có sở trường, có năng lực và học tập tốt… sẽ xây dựng được giá trị và năng lực làm việc. Bằng cấp nghề nghiệp sau này mà mỗi người có được phải gắn liền với kiến thức văn hóa phổ thông và đi đôi với giỏi nghề, có giá trị hành nghề. Có như vậy mới đứng vững được trong thị trường lao động hiện nay và tương lai.

Chính vì vậy, dù học cấp bậc nào, tất cả sinh viên, học sinh đều sẽ phải bước vào thị trường lao động. Mỗi người phải làm sao để có một giá trị hành nghề, giá trị năng lực thì mới thành công.

Trong đó, yếu tố quan trọng nữa để quyết định thành công của con người trong thị trường lao động là mỗi người phải làm sao đưa bằng cấp mình học tập trở thành kỹ năng nghề nghiệp.

Quan niệm “không cần bằng cấp, chỉ cần giỏi nghề là thành công” đã không còn đúng với tình hình xã hội hiện nay. Vì trước đây, học các ngành nghề cơ bản, truyền thống, nghề truyền nghề thì có thể thành công, nhưng còn hiện nay tiếp cận công nghệ, tri thức, bắt buộc chúng ta muốn thành công thì phải bước qua hệ đào tạo của các trường, phải tiếp cận tri thức của ngành nghề đó rồi mới chuyển đổi thành kỹ năng để đi đến thành công.

Bên cạnh đó, quan niệm “không bằng cấp vẫn thành công” có thể chấp nhận được, nhưng chúng ta đừng ngộ nhận rằng “không cần học gì vẫn thành công”. Người không có bằng cấp cũng có thể có thu nhập cao hơn người có bằng cấp nhưng “tài năng” đó cũng phải được rèn luyện qua quá trình học, tự học và tiếp tục học của riêng họ.

Hay nói khác đi, thành công sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn nếu “học” đúng lĩnh vực, phù hợp sở trường, tính cách, điều kiện của mỗi người và nắm bắt được cơ hội chứ không phải do bằng cấp hay không bằng cấp dẫn đến thành công.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đừng hiểu sai giữa bằng cấp và nghề nghiệp, giữa bằng cấp và giá trị thị trường lao động. Đó là hai yếu tố kết hợp, hòa quyện, học tập suốt đời... là điều kiện để thăng tiến.

Học tập suốt đời còn được hiểu đơn giản là việc tích lũy lượng kiến thức, kinh nghiệm xã hội, lịch sử thông qua những hình thức học tập chính quy, phi chính quy để mỗi người tự “làm giàu” vốn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ tiếp thu được những giá trị, nâng cao năng lực làm chủ bản thân, làm chủ tri thức, làm chủ kỹ thuật và công nghệ mới để luôn thích ứng với những biến đổi nhanh của xã hội trong thời kỳ hội nhập và công nghệ số.

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/hoc-neu-muon-thanh-cong-75.html