Chỉ còn một tuần nữa là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024 diễn ra. Các học sinh lớp 9 đang trong giai đoạn nước rút cho kỳ thi quan trọng này, kèm theo đó là rất nhiều áp lực cần giải tỏa. Trong đó, áp lực lớn nhất vẫn là thi vào các trường THPT Công lập, với tỷ lệ chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập năm nay khoảng 65% - 70% tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Chính vì vậy, nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng và chịu áp lực căng thẳng hơn khi thấy chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 thấp hơn năm ngoái, trong khi số học sinh tăng lên. Nhiều phụ huynh cho rằng tỷ lệ chọi cao nên còn áp lực còn hơn cả kỳ thi vào Đại học. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh thay vì áp đặt, nay đã cùng con xem xét thêm nhiều phương án tuyển sinh và hình thức học tập khác để phù hợp với con em và gia đình.
Trên thực tế, các em sau khi tốt nghiệp THCS có thể học tiếp ở THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp hay cao đẳng vừa học văn hóa song song với học nghề… nếu như các em có ý chí và quyết tâm học hành thì có nhiều con đường để lựa chọn. Như vậy học sinh có thể lựa chọn con đường học tập phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện, định hướng tương lai của mình, chứ không nhất thiết phải vào lớp 10 công lập.
Nhìn từ góc độ chung của xã hội, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là giải pháp tích cực, góp phần thay đổi nhận thức người dân và học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề, góp phần điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Trên thực tế, các hệ giáo dục nghề nghiệp là xu hướng mà các bạn trẻ trên thế giới và những năm gần đây tại Việt Nam yêu thích và lựa chọn, bởi rất nhiều lợi ích thực tiễn mà chương trình đào tạo đem lại. vì vậy gia đình và học sinh cần nắm rõ các chính sách, điều kiện học tập và khả năng của bản thân để đưa ra lựa chọn chính xác.
Việc học nghề trung cấp hoặc 9+ cao đẳng mang lại những lợi ích như rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí (học phí được nhà nước hỗ trợ theo Nghị định 81, Nghị định 97 của Chính phủ…), điều kiện tuyển sinh, giá trị bằng cấp, cơ hội thuận lợi việc làm, đồng thời hoàn thành chương trình học phổ thông ngay trong chương trình trung cấp. Chương trình học tại các trường cao đẳng, trung cấp mang tính thực tiễn, sinh viên, học sinh nắm chắc các kỹ năng và kiến thức… để khi tốt nghiệp sẽ phát huy hết khả năng làm việc và tiếp tục học liên thông đại học.
Đối với việc chọn hướng giáo dục nghề nghiệp, nếu cho rằng học kém, thụt lùi về năng lực, nghèo khó mới vào trường nghề hoặc chỉ nhìn đơn giản là học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, học các hệ giáo dục nghề nghiệp để nhanh chóng ra trường đi làm là chưa đủ, chưa toàn diện về chọn con đường học nghề.
Với những thực tế cho thấy phải căn cứ theo mức độ, hình thức chọn nghề và hệ học tập, để phù hợp với năng lực, điều kiện, nhu cầu của mỗi người. Vì vậy nếu học sinh nào nhận thấy bản thân không đủ điều kiện, nhu cầu, sở thích theo học THPT… thì có thể lựa chọn các chương trình giáo dục nghề nghiệp theo các hệ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng phù hợp.
Là người làm công việc nghiên cứu nhân lực, tôi mong rằng học sinh và nhất là các phụ huynh thấy rõ, thành công sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn, nếu “học” đúng lĩnh vực, phù hợp sở trường, tính cách của mỗi em học sinh và nắm bắt được cơ hội… Nên thay vì chịu những áp lực không đáng có, thì học sinh và phụ huynh cần có những lưu ý cụ thể hơn để chọn các hướng phù hợp, đúng năng lực, điều kiện học tập… để trong quá trình học cần chú trọng đến việc rèn luyện, học hỏi, nâng cao, đồng bộ giá trị nghề nghiệp cho bản thân sau này.