17/05/2023 10:05

Học tập suốt đời để tạo "giá trị nghề nghiệp", là yếu tố thành công trong thị trường lao động!

Theo khái niệm xã hội học thì “Giá trị nghề nghiệp” là những phẩm chất và nguyên tắc mà một cá nhân (hoặc một nhóm người) cố gắng thể hiện trong hoạt động hàng ngày cũng như các mục tiêu dài hạn của họ. Giá trị nghề nghiệp là những điều được cho là quý giá, cần thiết và có ý nghĩa quan trọng mà mỗi người mong muốn đạt được khi trở thành người lao động trong lĩnh vực nghề nghiệp nào đó.

Năng động, nhạy bén, thích nghi với yêu cầu phát triển của cuộc sống là một thuộc tính tất yếu của tài năng, luôn đi cùng với tư duy sáng tạo trong thực tế cuộc sống. Với niềm tin, đam mê chinh phục và sự dấn thân… người tài năng sẽ được đón nhận và tôn vinh khi tìm ra giải pháp và thực hiện nó để công việc đạt chất lượng cao. Có thể nhận biết rằng giữa thành tựu học vấn và sự thành công, đo bằng giá trị đồng tiền nhưng điều đó sẽ có sự khác biệt rõ rệt dù cả hai đều phải “học” mới đạt được.

Các doanh nghiệp hiện tại và trong tương lai cũng có nhu cầu thu hút hàng trăm ngàn lao động có tay nghề kỹ thuật cao. Chưa kể các doanh nghiệp mới đầu tư thành lập hoặc đang phát triển cũng cần tuyển một lượng lao động rất lớn.

Với đánh giá chung, thị trường lao động Việt Nam hiện nay và những năm tới đây sẽ có sự chuyển động cả về chất và lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới, việc chuyển dịch này có thể sẽ dẫn đến nhiều người lao động phải chuyển sang công việc khác. Vì vậy, quá trình chuyển dịch này sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn từ CMCN 4.0, phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, cũng như tỉ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, chiếm hơn 11% tổng lực lượng lao động (theo nghiên cứu của ManpowerGroup); Năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN; Năng lực ngoại ngữ rất hạn chế…

Như vậy, dưới ảnh hưởng kép của hai yếu tố trên, người lao động có trình độ kỹ năng càng đơn giản sẽ càng chịu tác động lớn và nguy cơ mất việc càng cao.

Tại nhiều cuộc hội thảo khoa học Giáo dục và Đào tạo, vấn đề được nhiều sự đồng thuận là "Học tập suốt đời” sẽ tạo cơ hội cho tất cả mọi người trước những thách thức của thời kỳ mới và được khẳng định là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân của các nước.

Giáo dục không chỉ là học tập trên lớp, trong trường học, trên sách vở… mà sự học là mọi nơi mọi lúc. Học tập suốt đời từ lâu đã được thế giới đặc biệt quan tâm bởi nhu cầu tất yếu của con người và của xã hội trong thời đại công nghiệp.

Giờ đây trước cuộc CMCN 4.0 thì nhu cầu con người càng bức thiết hơn bao giờ hết trước thách thức phải đổi mới, học tập và thích ứng không ngừng với những biến đổi của thiên nhiên, khoa học công nghệ.

Vì vậy, nếu ngừng trao đổi, học tập, giao lưu để theo kịp thời đại sẽ bị tẩy chay, lạc hậu, đi lùi... Học tập suốt đời sẽ tạo cơ hội cho tất cả mọi người để có thể chống chọi được với những thách thức của thời kỳ mới và được khẳng định là một bộ phận quan trọng trong thị trường lao động quốc gia và quốc tế.

Sự thay đổi của khoa học và công nghệ trong kỷ nguyên số đòi hỏi giáo dục - đào tạo phải giúp người học thích nghi, sáng tạo để tránh bị đào thải. Vấn đề bắt buộc phải thay đổi là xây dựng kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, tư duy sáng tạo... đang là yêu cầu cấp thiết.

Người lao động nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên cần tích cực với nhiều cơ hội tiếp cận, tích lũy, chắt lọc cái mới, cái hay, có nhiều cơ hội để trở thành một nhân lực toàn cầu. Kết quả thành công trong thị trường lao động hiện tại và tương lai không còn là bằng cấp trên giấy tờ, mà là “giá trị nghề nghiệp”, “giá trị sức lao động”, “giá trị hành nghề”…, hay bằng cấp theo nghĩa mở rộng là trao đổi tri thức, sáng tạo, giá trị đóng góp cho xã hội.

Mỗi người lao động cần phải có một kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức để tạo ra giá trị hành nghề và thành tựu cao trong sự nghiệp và cuộc sống.

Chúng ta đã thấy rõ, thành công sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn nếu “học” đúng lĩnh vực, phù hợp sở trường, tính cách của mỗi người và nắm bắt được cơ hội… chứ không phải do bằng cấp quyết định thành công. Các bạn trẻ cần có những lưu ý để chọn nghề phù hợp với từng cá nhân, đúng năng lực, đam mê và phù hợp. Đặc biệt, trong quá trình học cần chú trọng đến việc rèn luyện, học hỏi, nâng cao, đồng bộ giá trị nghề nghiệp cho bản thân.

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/hoc-tap-suot-doi-de-tao-gia-tri-nghe-nghiep-la-yeu-to-thanh-cong-trong-thi-truong-lao-dong-75.html