29/05/2022 09:08

Hơn 1.600 câu hỏi kiến nghị của người dân gửi tới buổi đối thoại với Chính phủ

Trước thời điểm diễn ra sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4 vào ngày 29-5, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi là những đề xuất, kiến nghị, trăn trở gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện các đại biểu, người nông dân ở đầu cầu TPHCM nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu 

Điều này thể hiện sự quan tâm, mong chờ của nông dân đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại vì một tầm nhìn đưa nông nghiệp Việt Nam nằm trong những nước dẫn đầu của thế giới.

Sáng ngày 29-5, sự kiện được mong chờ nhất trong năm của nông dân Việt Nam chính thức diễn ra, người đứng đầu Chính phủ và đại diện các bộ ngành sẽ trực tiếp đối thoại với nông dân để tìm ra đáp án và động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn cất cánh.

Chủ đề của Hội nghị đối thoại lần này là: “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”. Đây là lần thứ 4, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức và là Hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La chủ tổ chức.

Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, trong đó có 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước, trong đó có 30 nông dân tiêu biểu sẽ trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng.

Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban Đảng, các ủy ban của Quốc hội; Hội đồng dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước; lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Ảnh sản xuất nông nghiệp

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết qua chuẩn bị Hội nghị đối thoại, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp Hội, hội viên nông dân cả nước; đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Những vấn đề chính, vấn đề lớn, nổi cộm kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị lần này như sau:

Thứ nhất là, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nông dân cũng như doanh nghiệp đối tác nhà nông nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi giá vật tư đầu vào tăng phi mã, cụ thể giá phân bón có loại tăng 250%, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng, trong khi đó đầu ra nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Nông dân cần được hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thứ hai là, liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế và yêu cầu trong quá trình phát triển, liên kết "4 nhà", trong đó liên kết trung tâm "Nhà nông – Doanh nghiệp" nhiều nơi gặp thử thách, thậm chí đứt gãy. Vấn đề đặt ra, đó là cần tập trung giải quyết mối liên kết "4 nhà", trong đó trọng tâm là phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới như thế nào?

Thứ ba là, chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong 8 nội dung của Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia; nhiều Nghị quyết của Đảng đều xác định vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, mục tiêu tỷ lệ kinh tế số trong GDP đến năm 2025 là 20%, năm 2030 là 30%. Như vậy, muốn có một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn hiện đại, thì cần có những người nông dân văn minh, nông dân có tri thức. Do vậy đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cần phải đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nông dân đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng sản xuất nông nghiệp để thực hiện vai trò chủ thể của mình và có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư là, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có cả một số doanh nghiệp nước ngoài, làm xuất hiện hình thức "gia công trong nông nghiệp", điều này đem đến lợi ích lớn cho doanh nghiệp nhưng nông dân hưởng lợi ít và phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Giải pháp nào để giải quyết vấn đề này.

Ảnh nông nghiệp (ản hminh họa: Internet)

Thứ năm là, những năm qua, Việt Nam xuất khẩu nông sản trên 48 tỷ USD, tuy nhiên vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, chế biến tinh còn rất hạn chế, 70-80% là xuất khẩu tiểu ngạch, trong số đó trên 70% xuất khẩu lệ thuộc một thị trường lớn, rủi ro cao (đây chính là một trong những rào cản để phát triển nông nghiệp). Trong thời gian tới, giải pháp, chính sách nào tăng tỷ lệ chế biến và xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và hạn chế lệ thuộc vào một thị trường.

Thứ sáu là, chủ trương và khẩu hiệu "sản xuất theo tín hiệu thị trường", nhưng hiện nay nông dân rất khó khăn trong việc định hướng sản xuất, tiếp nhận thông tin thị trường và hỗ trợ tổ chức sản xuất. Do vậy, cần thiết phải có một tổ chức chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin thị trường và phát đi chỉ báo cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo cho sản xuất hàng hóa của nông dân không rơi vào tình trạng được mùa - rớt giá; nông sản hàng hóa thừa, thiếu cục bộ ở từng địa phương.

Thứ bảy là, Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nêu chủ trương định hướng nông dân tham gia cổ phần hoá bằng đất, nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa trở thành một xu hướng hợp tác lớn như kỳ vọng của nông dân lẫn doanh nghiệp. Nông dân góp đất có nguy cơ tăng rủi ro hoặc giảm cơ hội nhận được lợi ích tương xứng vì đất được doanh nghiệp định giá thấp, nông dân có cổ phần ít, lợi nhuận không đáng kể, không đảm bảo cuộc sống, cổ phần ngày càng nhỏ qua mỗi đợt huy động vốn mới. Người nông dân nhiều nơi mong muốn định giá quyền sử dụng đất sát với giá thị trường, đảm bảo sinh kế, việc làm khi đất bị thu hồi…

Thứ tám là, phong trào khởi nghiệp quốc gia hiện nay đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Khởi nghiệp đã khó nhưng khởi nghiệp trong nông nghiệp còn khó hơn vì đây là một lĩnh vực nhiều rủi ro và cần đầu tư lâu dài ; thực tế hiện nay cho thấy, các ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp do nông dân khởi xướng thực hiện còn rất ít, quy mô còn nhỏ, khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Thứ chín là, một trong những khó khăn và thua kém về lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam là chưa làm chủ được nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi. Trân trọng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học để làm chủ một số loại giống cây, con chủ lực.

Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, song ngành nông nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả vượt bậc với tốc độ tăng trưởng đạt 2,98%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỉ đô la. Ngay trong 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt gần 17,9 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 15,6% so với cùng kỳ.

Đóng góp vào sự tăng trưởng đó, có công lao rất lớn của những người nông dân trên cả nước và của những nông dân tiêu biểu trực tiếp tham dự đối thoại lần này.

Trần Hoàng

Link nội dung: https://eranet.vn/hon-1600-cau-hoi-kien-nghị-cua-nguoi-dan-gui-toi-buoi-doi-thoai-voi-chinh-phu-63.html