Tôi có nhiều năm làm việc trong môi trường thực tế về những hoạt động tư vấn hướng nghiệp, nhận định, đánh giá về nhu cầu nhân lực và thị trường lao động, nên từng chứng kiến và đồng hành với rất nhiều các em học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, mong muốn sẽ có một công việc phù hợp: bác sĩ, kỷ sư, giám đốc, chủ doanh nghiệp, quản lý Nhà nước và xứng đáng với năng lực, công sức để hưởng hơn 20 - 30 triệu đồng/tháng… thậm chí còn vươn hơn xa.
Trong cuộc sống hiện đại, những học sinh sinh viên có ước mơ, hoài bão, mục tiêu phấn đấu để công việc tốt, thu nhập cao, vị trí xứng đáng… đều rất bình thường. Nhưng điều quan trọng hơn, mỗi người phải biết biến ước mơ thành hiện thực thông qua những hành động thực tế và việc làm cụ thể. Muốn vậy, phải có quá trình học tập và đạt những kết quả tốt về nghề nghiệp để làm nền tảng vững chắc. Vì đây không chỉ là điều kiện cơ bản nhất nhất để mở ra tương lai cho mỗi người, mà hơn thế nữa là phải thường xuyên trau dồi kiến thức, cập nhật mới về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, tư duy, năng động, kỷ luật... để hoàn thiện và phù hợp hơn cho từng thời điểm.
Theo đánh giá chung, học sinh, sinh viên Việt Nam không thua các nước bạn về trình độ và kiến thức, nhưng phần lớn còn hạn chế về khả năng sử dụng tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, ứng dụng tin học và kỷ luật nghề nghiệp… Vì vậy, những hạn chế này đã dẫn đến khá nhiều sinh viên, học sinh không đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng, đặc biệt là các nhà tuyển dụng đầu tư nước ngoài. Mặt khác, yếu kém các kỹ năng còn khiến các em kém mạnh dạn, thiếu tự tin vào bản thân, ảnh hưởng đến việc học tập, mất đi cơ hội lựa chọn một công việc tốt cho mình.
Theo báo cáo của ManpowerGroup, với tổng lực lượng lao động gần 56 triệu người nhưng chỉ có khoảng 11% lao động Việt Nam có kỹ năng tay nghề cao. Nên với góc nhìn cho thị trường chung, thì lực lượng lao động thời kỳ CMCN 4.0 sẽ gặp thách thức rất lớn.
Những dự báo về thị trường lao động cho thấy, sẽ có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi CMCN 4.0. Các nhân tố khoa học - công nghệ được nhận định sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc, khiến nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi những kỹ năng phức tạp hơn như: hợp tác, đánh giá, quản lý, sáng tạo, ra quyết định… Do đó, những lao động giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ và có khả năng thích nghi tốt với môi trường làm việc biến động không ngừng sẽ được đánh giá cao. Đặc biệt, các nhà quyển dụng cho rằng kỹ năng học hỏi tích cực trở thành một yêu cầu cần thiết của mỗi người lao động.
Thị trường lao động hiện nay và những năm tới sẽ mở ra 05 xu hướng việc làm phù hợp với mọi trình độ, năng lực, đó là: cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh/thành, khu vực kinh tế quốc gia; khởi sự kinh doanh - tự tạo việc làm; khởi nghiệp và xuất khẩu lao động. Vì vậy, để đáp ứng được các điều kiện và yêu cầu lao động ở bất kỳ xu hướng nào, thì bản thân mỗi học sinh, sinh viên cần phải phấn đấu học tập, rèn luyện liên tục, nhanh và đủ. Chỉ khi giỏi nghề để phù hợp những điều kiện thực tế thì mới có thể hiện thực hiện được ước mơ, hoài bão và thu nhập cao.
Trần Anh Tuấn
(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế)