14/02/2022 08:22

Lạm bàn về chuyện thầy cô gọi học sinh là "con"

Ngày 11 - 2 - 2022, Nhà Nghiên cứu Lại Nguyên Ân đăng bài viết trên trang mạng xã hội với tiêu đề YÊU CẦU GIÁO VIÊN VÀ CÁN BỘ GIÁO DỤC KHÔNG GỌI HỌC SINH LÀ "CON".
Nguyên văn bài viết của Nhà Nghiên cứu Lại Nguyên Ân:

Ngay sau khi bài viết của Nhà Nghiên cứu Lại Nguyên Ân xuất hiện, trên mạng xã hội dâng trào, nhiều luồng sóng dư luận trái chiều, xô đập nhau. Có luồng dư luận đồng tình, có luồng không đồng tình. 
Sau vài giờ, Nhà Nghiên cứu Lại Nguyên Ân tiếp tục đưa lên mạng xã hội một bài viết của chính ông đăng trên tạp chí Tia Sáng cách đây 20 năm. Trong bài viết ông phân tích khá chuẩn về thực trạng xưng hô loạn xạ trong các quan hệ xã hội.

Trích nguyên văn bài viết:

NÊN XƯNG TÔI TRONG GIAO TIẾP NGOÀI ĐỜI

Nếu bạn tin vào tính độc lập của nhân cách, bạn hãy xưng “tôi” với những người khác, hãy từ bỏ những cách xưng là “cháu”, là “em”, và hãy dám đề nghị những người khác, không phải bà con họ hàng, đừng gọi mình là “em” là “cháu”.
Có một sự thực chẳng mấy đáng khích lệ là nhiều thứ trong tiếng Việt của ta còn chưa đủ tương thích với sự phát triển của các quan hệ xã hội. Chẳng hạn như các từ để xưng hô. Thực ra thì đối với ba ngôi chính của quan hệ giao tiếp đối thoại, ở tiếng Việt cũng có những từ có thể gọi là đại từ đích thực, đó là TAO (ngôi thứ nhất, người nói), MÀY (ngôi thứ hai, người tiếp nhận) và NÓ (ngôi thứ ba, người được nói đến). Nhưng phạm vi sử dụng của những từ này rất hẹp, chỉ trong những tình thế suồng sã, gần gũi, và không thể dùng cho những tình thế có khoảng cách giữa người ta với nhau.
Bù đắp cho sự thiếu hụt hoặc hạn hẹp kể trên, người Việt xưa nay áp dụng lối chuyển các danh từ trỏ các thứ bậc, các vai trò trong các quan hệ huyết tộc (gia đình, dòng họ) sang dùng cho các quan hệ giao tiếp xã hội. Chẳng hạn, cặp từ trỏ ngôi thứ nhất với ngôi thứ hai sẽ thường mượn các dạng: em − anh; em − chị; cháu −bác; cháu −chú; cháu − cô; con − dì … 
Ai cũng biết, giao tiếp xã hội đích thực là giao tiếp giữa những “người dưng nước lã”, không có quan hệ huyết tộc với nhau. Đem áp dụng các cặp từ xưng hô vừa kể vào giao tiếp xã hội tức là đã mặc nhiên “gia tộc hoá” các quan hệ xã hội.
Người ta ít nhiều có lý khi xem gia đình như một mảnh của xã hội, như “xã hội thu nhỏ”, nhưng sẽ phạm sai lầm tai hại nếu định xem xã hội như một gia đình phóng to lên. 
Nửa đầu thế kỷ XX, ở các giao tiếp chính thức của người Việt, một số từ xưng hô được quy chuẩn, thích hợp dần với tính chất xã hội của giao tiếp. Ở ngôi thứ nhất người ta chọn từ TÔI; ở ngôi thứ hai có thể lựa chọn trong số mấy từ NGÀI, ÔNG, BÀ, CÔ. Hệ quy chuẩn này, sang nửa sau của thế kỷ trước, do các biến động xã hội, đã bị xem là kiểu cách, trưởng giả. Thế nhưng dạng thức thay thế hợp thức nhất là tôi − đồng chí rốt cuộc cũng không bền! Người ta lại trở về với không gian xã hội mang đậm tính gia tộc. Đâu đâu cũng dùng những cặp từ xưng hô: cháu − bác, cháu − chú, con − dì … những cách xưng hô nghe thì thân tình ấm cúng mà kỳ thực nó gò người ta vào các vai trò trong gia tộc, các chức năng trong dòng họ, không tương thích với giao tiếp xã hội, hơn nữa, suy cho cùng, nó kìm hãm sự phát triển của nhân cách tự do.
Người viết những dòng này còn nhớ những cảm giác khó tả thời trẻ khi có người lạ hoắc gọi mình là cháu là con : cảm giác vừa được bao bọc vừa bị coi thường. Những cảm giác ấy thường trở lại lúc bỗng dưng nghe các cỡ ông bầu thể thao khi nói với nhà báo, gọi vận động viên là các em, các cháu, khi nghe chính các vận động viên xưng cháu xưng em với các nhà báo, còn nhà báo thì mặc nhiên tận dụng vị thế ông anh bà chị ông chú của mình ngay khi người tiếp chuyện mình là vận động viên đoạt huy chương thế giới hoặc khu vực chứ không phải những cháu nhỏ vô danh!  
Có một điều đáng được chờ đợi nhưng vẫn chưa xảy ra: ấy là việc các đoàn thể hoặc nhà trường tham gia vào việc làm hình thành một chuẩn xưng hô theo hướng xã hội hoá các quan hệ giao tiếp. 
Vậy thì, hãy bắt đầu từ sự chủ động của chính các bạn trẻ trong việc thực hiện hành vi ngôn ngữ này. Hãy xưng TÔI trong giao tiếp với mọi người dưng ngoài đời!
LẠI NGUYÊN ÂN

● Bài đã đăng tạp chí "Tia sáng", loại dành cho bạn trẻ, số 1 (25/5/2002).

Sau khi bài viết 20 năm tuổi của Nhà Nghiên cứu Lại Nguyên Ân xuất hiện, nhiều làn sóng dư luận lại dập dềnh xô đẩy trái chiều nhau. Một số ý kiến lấy cách xưng hô 2 ngôi đại từ của Hoa Kỳ, Pháp so sánh với cách xưng hộ của dân tộc ta rồi kết luận: Nên bắt chước!
Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định xã hội ta hiện nay đang rối loạn cách xưng hô trong giao tiếp công sở nhưng không đồng tình đề nghị tất cả mọi người đều xưng "tôi" với mọi lứa tuổi trong mọi hoàn cảnh giao tiếp. Tôi cũng không đồng tình đề xuất ngành giáo dục phải ban hành một bộ quy tắc xưng hô giữa thầy và trò trong môi trường giáo dục. Như thế là làm khó nhau.
Từ nét đặc trưng văn hoá, dân tộc ta có một hệ thống ngôn ngữ phức tạp, đặc biệt là hệ thống đại từ nhân xưng. Trong đại từ nhân xưng có qui chuẩn danh xưng rất phong phú, đáng tự hào: Ông bà, cô, dì, bác, chú, thím... Từ cách xưng hô, ta có thể nhận biết vai vế giữa hai chủ thể đang giao tiếp với nhau. Và cũng từ cách xưng hô, ta có thể nhận biết trạng thái tình cảm giữa hai chủ thể. Một người xưng "con", gọi người đối diện là "chú" không đồng nghĩa với việc thuần phục, hạ thấp nhân phẩm hoặc vị trí xã hội của mình với người đối diện mà chỉ xác định người đối diện "lớn tuổi", thuộc thế hệ "tiên sinh". Cách xưng hô đó thể hiện sự khiêm nhường, tôn trọng. Khi đang xưng "con" mà đổi giọng xưng "tôi" mặc dù vẫn gọi là "chú", là trạng thái tình cảm đã xoay chiều.
Người lớn tuổi xưng "tôi" gọi người đối diện là "anh", là "cậu", là "bác" không đồng nghĩa với việc tôn người đối diện lên bậc trưởng thượng. Đó chỉ là cách xưng hô lịch sự, tôn trọng.
Tuy nhiên cách xưng hô vừa nêu chỉ xảy ra trong phạm vi giao tiếp ở môi trường xã hội. Trong môi trường giáo dục, theo thói quen, những học sinh mẫu giáo, tiểu học thường xưng "con" với thầy, cô. Đáp lại, thầy cô gọi học trò là "các con". Cách xưng hô đó phát sinh từ thói quen "xưng con với những người ngang tuổi cha mẹ". Khi vào cấp trung, đại học học trò thường xưng "em" với thầy cô. Thói quen đó hình thành từ suy nghĩ, thầy cô là người hướng dẫn thế hệ đàn em kế thừa đi vào thế giới khoa học. Và vẫn có nhiều trường hợp sinh viên xưng "con" với những thầy đáng tuổi cha mẹ.

Xưng "con" với thầy cao tuổi là tự tôn trong mình. Ảnh: Internet

Nếu cho rằng cách xưng hô đó vô tình đẩy học trò vào tình thế tự ti, thấp hèn, không dám phản biện là sai lầm. Tâm lý thuần phục không liên quan gì đến cách xưng hô cả. Xưng "tôi" không thể đẩy một người tự ti lên ngang mặt người thầy được. Có bao nhiêu nhà khoa học hàng đầu Việt Nam đã từng xưng "tôi" với giáo viên để trưởng thành? 
Điều cần làm để xoá tự ti của học sinh là nâng cao nhận thức chứ không phải "nâng cao" giá trị xưng hô. Tạo ra bộ qui chuẩn xưng hộ trong quan hệ thầy trò, vô tình đẩy những trường hợp cha là giáo viên chủ nhiệm của con mình vào tình thế khó xử.
Xưng "tôi" trong mọi hoàn cảnh giao tiếp sẽ khiến người tự xưng rơi vào tình trạng thiếu khiêm nhường, không tôn trọng người đối thoại và bất lịch sự. Một cán bộ cấp cao về làng xưng con gọi chú với bậc kỳ lão sẽ không làm người cán bộ "thấp hèn" mà càng làm người khác kính trọng.
Qui chuẩn xưng hô cần thiết nên dành cho giao tiếp công sở, nhất là nơi các cơ quan công quyền. Đây lại là đề tài khác, sẽ bàn trong dịp phù hợp.

Nông Huyền Sơn

Link nội dung: https://eranet.vn/lam-ban-ve-chuyen-thay-co-goi-hoc-sinh-la-con-45.html