Việc thiết lập các trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 ở Trung ương và địa phương sẽ giúp kết nối tri thức, kinh nghiệm của 2 ngành Y tế, TT&TT trong triển khai các giải pháp công nghệ hỗ trợ hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.
Hợp nhất sức mạnh các lực lượng cho phòng chống Covid-19
Cách tiếp cận mới trong phòng chống dịch Covid-19 đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công. Lấy tấn công là chính, quan trọng, đột phá; phòng ngừa là thường xuyên, cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định.
Cùng với đó, chú trọng phòng, chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch; bảo đảm phương châm “5K + vắc xin và ứng dụng công nghệ”. Ba mũi tấn công dịch Covid-19 hiện nay gồm xét nghiệm chủ động, công nghệ bắt buộc và vắc xin, trong đó vắc xin là mũi tấn công có ý nghĩa quyết định.
Ngày 4/6, Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia đã được thành lập, với 9 thành viên nòng cốt là các chuyên gia y tế và công nghệ. Trung tâm có 2 nhóm nhiệm vụ chính là tập hợp lực lượng công nghệ và tri thức, hợp nhất sức mạnh các lực lượng; tổng hợp dữ liệu, áp dụng các công nghệ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, phục vụ phân tích, xử lý và dự báo tình hình dịch bệnh.
Ra đời với sứ mệnh trước nhất là cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo chuyển từ phòng ngừa sang tấn công dịch Covid-19 bằng công nghệ, Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia có sự hợp tác chặt chẽ giữa những chuyên gia đầu ngành của 2 lĩnh vực Y tế và TT&TT cùng sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Vào 19h hàng ngày, các thành viên của Trung tâm công nghệ ở trung ương đều đặn giao ban ể xử lý mọi tình huống liên quan đến các vấn đề kỹ thuật của các giải pháp công nghệ cũng như công tác truy vết.
Để đảm bảo khả năng phản ứng nhanh với diễn biến phức tạp của dịch, Trung tâm hoạt động theo mô hình linh hoạt, các thành viên nòng cốt và Tổ giúp việc luôn ở mức độ sẵn sàng cao 24/7 để xử lý mọi tình huống liên quan đến các vấn đề kỹ thuật của các giải pháp công nghệ cũng như công tác truy vết.
Hiện nay, các thành viên nòng cốt của Trung tâm giao ban đều đặn vào 19h hàng ngày để rà soát, khắc phục các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình vận hành, cũng như tìm ra các giải pháp mới giúp tối ưu hóa và nâng cao hiệu quả các quy trình nghiệp vụ y tế.
Theo chia sẻ của đại diện Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, chỉ sau 10 ngày đi vào hoạt động, Trung tâm đã hoàn thành tích hợp các hệ thống thông tin hỗ trợ phòng chống dịch. Hệ thống có khả năng hỗ trợ hàng chục nghìn người làm công tác truy vết tại các xã, phường và phục vụ cho hàng chục triệu người dùng.
“Trong trường hợp các địa phương thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế về sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần; các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí, trụ sở cơ quan tổ chức, nơi tập trung đông người đều tiến hành kiểm soát ra vào bằng cách quét mã QR thì các hệ thống thông tin sẽ hỗ trợ truy vết, khoanh vùng các trường hợp F0, F1 nhanh chóng, có thể chỉ tính bằng giây, bằng phút”, đại diện Trung tâm chia sẻ.
Thiết lập “điểm kết nối” y tế và công nghệ tại địa phương
Bắc Giang là một trong “điểm nóng” về dịch bệnh Covid-19 trong đợt thứ tư dịch bùng phát tại Việt Nam. Để tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp công nghệ góp phần đẩy lùi dịch bệnh, UBND tỉnh này vừa thành lập Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương.
Trung tâm quy tụ lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 phục vụ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Bắc Giang, được đặt tại trụ sở Sở TT&TT và do Phó Giám đốc Sở này, ông Nguyễn Gia Phong phụ trách điều hành chung. Đây là đầu mối điều hành, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Trung tâm ở trung ương đảm bảo vận hành chung các hệ thống và Trung tâm tại địa phương khai thác, sử dụng các giải pháp công nghệ vào thực tế chống dịch tại địa bàn.
Bộ TT&TT mới đây đã đề nghị TP.HCM thành lập Trung tâm hoặc Tổ công tác công nghệ phòng chống dịch tại Sở TT&TT, có sự tham gia đồng chủ trì của Sở Y tế, hoạt động với tinh thần “Lực lượng công nghệ và lực lượng y tế là một, công nghệ phục vụ y tế”, đồng thời phối hợp và kết nối chặt chẽ với Trung tâm quốc gia để triển khai nhanh, hiệu quả các giải pháp công nghệ phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
“Dịch bệnh lây lan không phụ thuộc vào địa giới hành chính, nếu địa phương tự làm ứng dụng của mình thì chỉ có thông tin của riêng địa phương. Trung tâm quốc gia có nhiều nguồn dữ liệu trên toàn quốc nên sẽ hiệu quả hơn”, đại diện Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Trong Chỉ thị khẩn 10 ban hành tối 19/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã giao Sở TT&TT thành lập Tổ công tác công nghệ có thành phần tham gia của Sở Y tế, phối hợp với Trung tâm công nghệ phòng chống, dịch Covid-19 quốc gia tham mưu các biện pháp ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch của TP.HCM.
Lý giải rõ hơn về sự cần thiết phải thành lập các Trung tâm công nghệ phục vụ phòng chống dịch, ông Đỗ Lập Hiển, thành viên thường trực Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia cho biết, Trung tâm công nghệ ở trung ương là điểm hội tụ, nơi 2 ngành y tế và TT&TT đồng chủ trì triển khai việc ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch trên toàn quốc. Tương ứng với đó, Trung tâm công nghệ phòng dịch Covid-19 tại tỉnh, thành phố là mô hình phối hợp hoạt động của 2 ngành y tế và TT&TT tại địa phương.
“Trung tâm ở trung ương xây dựng các ứng dụng, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật trên toàn quốc. Còn Trung tâm ở địa phương sẽ triển khai cụ thể các giải pháp công nghệ tại địa phương mình, tuyên truyền, đôn đốc, giám sát thực thi trong xã hội. Bên cạnh đó, Trung tâm ở trung ương đảm bảo vận hành chung các hệ thống; địa phương khai thác và sử dụng các giải pháp công nghệ vào thực tế chống dịch”, ông Đỗ Lập Hiển cho hay.
Theo vietnamnet.vn