Mỹ phẩm hữu cơ (organic) đang được quảng cáo bán tràn lan trên thị trường có thực là 100% organic hay không? Có đạt chuẩn organic hay không? Đó là câu hỏi mà nhiều chị em băn khoăn khi mua mỹ phẩm chăm sóc da, làm đẹp.
Ma trận thị trường mỹ phẩm "organic"
Không chỉ có thực phẩm quảng cáo organic, mà hiện nay nhan nhản các nhãn hàng mỹ phẩm cũng quảng cáo thành phần hữu cơ, tiêu chuẩn organic. Trên internet thì vô số nhãn hàng, shop hàng rao bán, quảng cáo mỹ phẩm đạt chuẩn organic từ Mỹ hoặc nhiều nước khác như: Tẩy tế bào hữu cơ, kem chống nắng hữu cơ, sữa rửa mặt hữu cơ, son môi organic, chì kẻ mắt…, với đủ loại giá. Có loại sữa rửa mặt giới thiệu hữu cơ giá chỉ hơn trăm ngàn/tuyp, son môi organic chỉ vài chục ngàn đồng/thỏi. Riêng hàng xách tay giới thiệu organic thì nhiều vô kể…
Nhiều trang mạng giới thiệu sản phẩm chăm sóc, làm đẹp được chứng nhận ACO-USDA, và đưa ra hơn 10 biểu tượng chứng nhận sản phẩm organic của nước ngoài để chị em khi mua hàng dễ nhận biết…
Tuy nhiên, đa số chị em khi mua sản phẩm làm đẹp “organic” cùng lo ngại: Các sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên, tiêu chuẩn organic được quan tâm rất nhiều, nhưng khi mua sử dụng thì không như quảng cáo, thắc mắc thì chỉ nhận được câu trả lời từ nơi bán là “do cơ địa”. Thực sự không biết những sản phẩm đó có đúng là đạt tiêu chuẩn organic, an toàn cho người dùng hay không?...
Từng trao đổi với báo một tờ báo, PGS-TS Đặng Chí Hiền, Viện Hóa học TP. HCM cho biết, mỹ phẩm hữu cơ thường từ thảo dược thiên nhiên, nên nguồn nguyên liệu phải đảm bảo chất lượng. Để mỹ phẩm đạt được chuẩn organic cần rất nhiều khâu, tiêu chuẩn organic rất ngặt nghèo. Ví dụ như khu trồng nguyên liệu ở đâu? diện tích bao nhiêu mới đạt chuẩn, quy định vùng đệm cách xa bao nhiêu để tránh sâu bệnh?…. Hiện nay, nguồn hàng mỹ phẩm quảng cáo sản xuất từ nguyên liệu thảo dược thiên nhiên, mỹ phẩm hữu cơ, có nhiều chiêu trò rất tinh vi, khiến người tiêu dùng dễ tin, và khó nhận biết thực-giả. Do đó, dù là hàng nhập với vô số biểu tượng chứng nhận hàng đạt chất lượng hữu cơ, hay hàng sản xuất trong nước, đều bắt buộc phải có kiểm nghiệm, chứng nhận của Bộ Y tế cho lưu hành sản phẩm trên thị trường Việt Nam. Đặc biệt, cần có cả kiểm nghiệm lâm sàng đối tượng sử dụng theo vùng miền, thời tiết khí hậu.
Khái niệm “mỹ phẩm hữu cơ – organic” bị lạm dụng
Theo nhiều nguồn thông tin, hiện Việt Nam chưa xây dựng được tiêu chuẩn sản phẩm mỹ phẩm organic. Đây cũng là một trong những khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm từ thiên nhiên an toàn cho sức khỏe chị em làm đẹp. Hiện tại, một số dòng mỹ phẩm trên thị trường chỉ là hướng công nghệ sinh học organic. Tuy nhiên, vẫn tràn lan nhiều nhãn hiệu mỹ phẩm không uy tín, kém chất lượng, sản phẩm mỹ phẩm chứa nhiểu hoạt chất độc hại gây tổn hại đến làn da, sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt là khái niệm “mỹ phẩm hữu cơ – organic” đang bị lạm dụng”.
Đồng thời, một số nhãn hàng lại lợi dụng lòng tin và thị hiếu của khách hàng để trục lợi khi quảng cáo mỹ phẩm của mình là "thiên nhiên", không hóa chất, tự công bố là organic. Trong khi việc kiểm chứng chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng lại không thể kiểm chứng bằng mắt thường, cơ quan chức năng lại vẫn chưa kiểm soát được chặt chẽ vấn đề lưu hành các sản phẩm mỹ phẩm trên thị trường, nên vẫn còn sản phẩm trôi nổi mang nhãn là mỹ phẩm đông y gia truyền và organic.
Chưa có tiêu chuẩn riêng cho mỹ phẩm organic
Theo Ths.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở y tế TPHCM thì Việt Nam chưa có chuẩn riêng cho loại mỹ phẩm organic. Nếu cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tự cho là đạt tiêu chuẩn organic thì phải chứng minh được trong hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm có thành phần organic là bao nhiêu? Đồng thời, nếu cơ sở kinh doanh chưa công bố, hay chứng minh được sản phẩm mỹ phẩm do cơ sở mình nhập khẩu có thành phần đạt tiêu chuẩn organic mà đã quảng cáo là organic, hay in tờ rơi, đăng thông tin trên mạng là vi phạm.
Hiện nay, Việt Nam quản lý mỹ phẩm, sản xuất và lưu thông sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường theo Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/1/2017, áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về mỹ phẩm, các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động liên quan đến công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam.
Trường hợp cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó chỉ rõ mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế.
Như vậy, trước "ma trận" mỹ phẩm "organic" như hiện nay để có một thị trường mỹ phẩm từ thiên nhiên, hữu cơ đúng nghĩa, an toàn cho người sử dụng, cần sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng khi cấp phép cho sản phẩm mỹ phẩm lưu hành trên thị trường. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra phát hiện, thu hồi, xử phạt kịp thời các nhãn hàng trôi nổi, không đảm bảo các tiêu chí mỹ phẩm sạch.