16/11/2022 09:14

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giao dịch cung cầu thị trường lao động

Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO): “Thị trường lao động là thị trường trong đó có các dịch vụ lao động được mua và bán thông qua quá trình để xác định mức độ có việc làm của lao động, cũng như mức độ tiền công”. Khái niệm này nhấn mạnh đến các dịch vụ lao động được xác định thông qua việc làm được trả công.

Đặc biệt trong môi trường thay đổi, trước tác động của cuộc CMCN lần thứ tư, sự thay đổi công nghệ kỹ thuật số trong điều kiện thị trường lao động và hệ thống cung ứng, sản xuất toàn cầu bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19.

Việc đánh giá lại thực trạng lao động - việc làm và công tác quản lý nhà nước về lao động, quan hệ lao động là rất cần thiết trong tình hình mới, để quá trình chuyển đổi được công bằng, những người mất việc trong môi trường mới được đào tạo phù hợp và có thể tìm kiếm việc làm mới mà không trở thành thất nghiệp.

Trong phạm vi bài viết này, là người có nhiều năm kinh nghiệm và thực tế đối với thị trường lao động, việc làm, nhân lực… tôi xin trình bày những nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả giao dịch cung cầu thị trường lao động:

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc CMCN 4.0, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ về quản lý nhà nước đối với thị trường lao động.

- Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động: hoàn thiện các chỉ tiêu thị trường lao động theo hướng hội nhập, đặc biệt vừa phản ánh được đặc điểm thị trường lao động Việt Nam, vừa phải so sánh được với các nước trên thế giới; đẩy mạnh thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động, thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khóa đào tạo... giúp người lao động, nhất là thanh niên, sinh viên lựa chọn và quyết định học nghề, tiếp cận việc làm phù hợp.

- Nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; phối hợp hoạt động của Trung tâm với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp; nâng tần suất phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, hướng tới tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp tại cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm.

- Thực hiện có hiệu quả về chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động khi thất nghiệp, để sớm quay trở lại thị trường lao động; tổ chức thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, để duy trì việc làm cho người lao động; mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

- Tăng cường công tác hướng nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng đào tạo, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục đầu tư đồng bộ cho đào tạo nhân lực thuộc các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, các ngành, nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành.

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/mot-so-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-giao-dich-cung-cau-thi-truong-lao-dong-75.html