27/04/2022 07:36

Nâng cao năng lực cạnh tranh lao động Việt Nam tại các thị trường việc làm trong khu vực và quốc tế

Theo xu hướng hội nhập quốc tế, mở cửa thị trường lao động, dự báo lao động nhiều lĩnh vực tại Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với lao động nước ngoài tại các thị trường việc làm trong khu vực, quốc tế và ngay trên chính đất nước Việt nam.

Tuy nhiên nhiều sinh viên, học sinh chưa chủ động trong quá trình chuẩn bị nghề nghiệp bản thân, chưa nắm chắc tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những ngành nghề mới hoặc những tiêu chí tuyển dụng mới để có tâm thế sẵn sàng lựa chọn nghề nghiệp việc làm, tự tạo việc làm cho bản thân.

Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp nói chung và công tác đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề nói riêng, đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng sức cạnh tranh quốc gia.

Thị trường việc làm trong nước luôn được các chuyên gia đồng hành và định hướng phù hợp

Thực tế về nguyên tắc, bằng phương pháp giảng dạy tiên tiến, có sự kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, thời lượng thực hành kinh nghiệm thực tập trong các phòng thí nghiệm hiện đại, các tập đoàn, công ty đa quốc gia… sinh viên, học sinh sẽ phát huy những kiến thức, kỹ năng có được để áp dụng vào trong công việc một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, phải trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng mới, sáng tạo, tư duy toàn cầu để tạo điều kiện thành công trong các môi trường đa văn hóa.

Chúng ta không đặt nặng vấn đề sinh viên phải học nơi này hay nơi kia, mà hãy đặt ra việc tạo được môi trường tốt nhất, chương trình đào tạo tốt nhất cho người học. Để người học có thể được tiếp nhận với nhiều nền giáo dục hiện đại, tân tiến.

Các nghiên cứu xác định đó là: Sinh viên được tiếp cận với các hệ thống tri thức khoa học mới, tiên tiến nhất của thế giới có hàm lượng thông tin cao, đồng thời cũng tiếp nhận, học tập được những kinh nghiệm thực tiễn của khu vực và thế giới về đào tạo và phương thức quản lý giáo dục.

Đồng thời, việc hội nhập với quốc tế đã tạo được cho các trường đại học và giáo dục nghề nghiệp việc cập nhật và học hỏi các nội dung đào tạo mới nhất, hiện đại nhất của các trường, kết hợp việc thụ hưởng những đặc thù của các ngành khoa học, ngành đào tạo mới của giảng viên quốc tế, phong phú về trình độ năng lực và sự đa dạng, đa chiều…

Song song đó, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tại Việt Nam có được khả năng liên kết với những trường đại học, cao đẳng, trung cấp quốc tế có danh tiếng về nền học thuật, liên tục cập nhật, tiếp nhận, chuyển đổi nhằm phù hợp và tăng cường hơn nữa năng lực của các trường trong nước. Tạo điều kiện cho sinh viên, học sinh học tập, thực hành và nghiên cứu “tại chỗ”, không cần phải ra nước ngoài mà vẫn có thể học được những kiến thức hiện đại, với hiệu quả kinh tế.

Sinh viên, học sinh cần được trải nghiệm và cập nhật liên tục trong đào tạo

Ngoài ra, đưa vào những chương trình phát triển giáo dục và một số các loại hình khoa học – công nghệ nhằm nâng cao cơ sở vật chất, đồ dùng, thực hành, nghiên cứu giúp sinh viên, học sinh có cơ hội học tập tốt hơn.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tăng cường gắn kết giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và trình độ khoa học - công nghệ cao, có kỹ năng nghề và giải quyết việc làm cho người học.

Vì đây là những điều kiện cần thiết để hội nhập, cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, cũng như khẳng định vị thế của tri thức và trí tuệ Việt Nam trong thị trường lao động toàn cầu.

Trần Anh Tuấn
(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế)

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-lao-dong-viet-nam-tai-cac-thi-truong-viec-lam-trong-khu-vuc-va-quoc-te-75.html