14/03/2022 02:03

Người nhiễm Covid-19 gây ra do biến thể này vẫn có thể tái nhiễm Covid-19 gây ra do biến thể khác

Trước làn sóng lây lan nhanh của Omicro, hiện mỗi ngày con số dương tính với Covid-19 tại Việt Nam lên tới hơn 100 nghìn ca nhiễm bệnh, TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội Vi sinh - Lâm sàng TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều giải thích hữu ích cho người dân, xoay quanh các vấn đề về dịch bệnh Covid-19 và việc tiêm phòng Vaccin Covid.

Với việc SARS-CoV-2 biến đổi liên tục như vậy, việc chích ngừa có còn hiệu quả không, đặc biệt với Omicron, thưa Bác sĩ?

TS.BS Phạm Hùng Vân: Chủng ngừa hoàn toàn có hiệu quả cho dù SARS-COV-2 biến đổi liên tục. Thuốc chủng ngừa dù được nghiên cứu chế tạo không theo kịp với sự biến đổi và xuất hiện các biến thể mới nhưng vẫn có hiệu quả, đặc biệt hiệu quả trong làm giảm nguy cơ người Covid-19 diễn tiến nặng phải nhập viện hay tử vong. Lý do là dù có bị biến đổi nhưng các kháng nguyên có liên quan đến kích thích miễn dịch bảo vệ vẫn không bị thay đổi quá nhiều để làm mất đi hiệu quả miễn dịch bảo vệ của cơ thể người được chích vaccine. Chính nhờ vậy mà vaccine dù không thay đổi kịp thời nhưng vẫn hiệu quả bảo vệ người bị nhiễm Omicron chứ không phải là mất đi tác dụng.

Tuy nhiên có lẽ cũng sẽ như vaccine ngừa cúm, vaccine ngừa Covid-19 cũng sẽ phải thay đổi hàng năm cho kịp thời để duy trì được miễn dịch bảo vệ ở cơ thể người chích vaccine. Nếu không làm điều này thì có nguy cơ một ngày nào đó trong tương lai, vaccine sẽ không còn hiệu quả nữa và nhân loại sẽ phải đối phó với một đại dịch Covid mới.

TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội Vi sinh - Lâm sàng TP. Hồ Chí Minh

Có người quan niệm rằng, nhiễm chủng Omicron coi như được chích thêm 1 mũi, sẽ có công dụng củng cố lượng kháng thể, tạo miễn dịch cộng đồng bền vững. Quan niệm như vậy có đúng không?

TS.BS Phạm Hùng Vân: Trong thời gian qua, theo yêu cầu của Liên Chi Hội Hô Hấp TP. HCM và Liên Chi Hội Vi Sinh Lâm Sàng TP. HCM, chúng tôi có làm nghiên cứu tìm hiểu đáp ứng miễn dịch kháng thể trung hòa trên các người tiêm vaccine và những người đã nhiễm Covid-19. Kết quả thu nhận được cho thấy người nhiễm Covid-19 mà chưa tiêm vaccine thì có đáp ứng kháng thể trung hòa gần giống như người tiêm vaccine mũi 1, đạt từ 30% đến 50% khả năng trung hòa. Nhưng với những người đã tiêm vaccine rồi bị nhiễm Covid hay những người nhiễm Covid rồi được tiêm vaccine thì kháng thể trung hòa đạt lên rất cao, có thể đến trên 90%.

Do vậy, chúng tôi cũng cho là nhiễm Covid giống như tiêm vaccine mũi 1, rất cần phải tiêm vaccine, còn đã tiêm vaccine mũi một rồi mà bị nhiễm Covid thì cũng giống như được tiêm mũi 2. Cả hai trường hợp đều làm tăng cao kháng thể trung hòa.

Tuy nhiên, dù kết quả nghiên cứu như vậy, nhưng cũng không nên cố ý nhiễm Covid tự nhiên để tạo được miễn dịch bền vững, vì thật ra chúng ta cũng khó đoán chắc chắn mình có bị nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hay không, đó là chưa kể khi mình nhiễm thì mình có thể trở thành nguồn lây và có thể trở thành mối nguy cho những người có nguy cơ cao chung quanh chúng ta, cho người thân trong gia đình và xã hội.

Ngoài ra, miễn dịch cơ thể có được cũng không vĩnh viễn vì SARS-COV-2 cũng bị biến đổi theo thời gian. Người nhiễm Covid gây ra do biến thể này vẫn có thể tái nhiễm Covid-19 gây ra do biến thể khác. Cụ thể là những người trước đây nhiễm Covid do biến thể Delta hay Alpha thì hiện nay vẫn có thể tái nhiễm biến thể Omicron, hay nhiễm Omicron BA.1 vẫn có thể tái nhiểm Omicron BA.2 hay BA.3

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, người dân nên chủ động thực hiện 5K để phòng bệnh 

Trước sau gì cũng nhiễm bệnh, vậy thì bây giờ có nên chủ động nhiễm Omicron để bệnh nhẹ thôi?

TS.BS Phạm Hùng Vân: Theo tôi với tốc độ lây lan của Omicro như hiện nay và chúng ta cũng không còn ưu tiên cho các giải pháp cách ly, phong tỏa, cho mở cửa lại các trường học, các trung tâm vui chơi sinh hoạt, các chợ và siêu thị…thì gần như ai cũng có thể bị nhiễm Omicron. Tuy nhiên nhiễm Omicron hiện nay ít dẫn đến bệnh nặng và trầm trọng nhờ đa số đã có miễn dịch đặc hiệu.

Nhận định là như thế, nhưng với quan niệm là cứ chủ động để nhiễm Omicron thì theo tôi là không nên. Lý do đã được trình bày ở phần trên, đó là không có gì đảm bảo chắc chắn mình sẽ không bị nặng vì lý luận y khoa không bao giờ là tuyệt đối. Hơn nữa biến mình thành người nhiễm là biến mình thành mối nguy cho những người khác cũng không nên.

Với những người đã bị dương tính với Delta trước đây, nay tái nhiễm với Omicron thì các triệu chứng và phương pháp điều trị có khác gì không ạ?

TS.BS Phạm Hùng Vân: Nhiễm Delta trước đây và nay tái nhiễm Omicron thì triệu chứng thường nhẹ hơn, có thể vẫn có sốt, đau họng, nhức mỏi, nhưng thường không kéo dài quá 2 ngày. Về điều trị thì không khác nhau vì nguyên tắc vẫn là chỉ cần uống thuốc hạ sốt nếu sốt cao hay đau nhức nhiều, chú ý bồi dưỡng cơ thể qua dinh dưỡng, uống thêm vitamin D.

Chỉ cần uống thuốc kháng virus như molnupiravir hay favipiravir nếu có các dấu chứng cho thấy nguy cơ bệnh sẽ diễn tiến nặng, nhưng lưu ý là các thuốc nay chỉ hiệu quả trong 5 ngày đầu của bệnh. Thuốc kháng đông và corticoid cũng chỉ sử dụng khi có dấu chứng bệnh diễn tiến nặng.

Nhắc lại những việc cần làm để mỗi người tự bảo vệ mình và gia đình trước làn sóng Omicron tại Việt Nam.

Thứ 1, quan trọng nhất là nếu chưa chích ngừa thì phải đi chích ngừa đủ hai mũi để có được miễn dịch bảo vệ tránh bị cơn bão cytokine khi mắc COVID.

Thứ 2, tránh nhiễm bệnh và làm lây lan bệnh, đó là vẫn nên duy trì khẩu trang và rửa tay, tránh tụ tập đông người nếu không cần thiết, tự mình tránh tiếp xúc nếu bị nhiễm bệnh.

Thứ 3, nếu bị nhiễm bệnh thì chú ý bồi dưỡng sức khỏe qua dinh dưỡng và chỉ nên uống thuốc kháng virus hay kháng đông đúng chỉ định.

Thứ 4, chú ý vệ sinh môi trường chung quanh và bảo vệ môi trường vì các giải pháp như khẩu trang và bảo hộ sẽ làm gia tăng chất thải vào môi trường rất nhiều.

TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội Vi sinh - Lâm sàng TP. Hồ Chí Minh

Hương Nguyên

Link nội dung: https://eranet.vn/nguoi-nhiem-covid-gay-ra-do-bien-the-nay-van-co-the-tai-nhiem-covid-19-gay-ra-do-bien-the-khac-68.html