Cho rằng khó khăn hiện tại chỉ diễn ra do ảnh hưởng dịch bệnh, các nhà bán lẻ nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và nhiều kinh nghiệm kinh doanh đặt niềm tin trung và dài hạn về thị trường Việt Nam nên đã tiếp tục săn mặt bằng mở rộng hệ thống kinh doanh để đón đầu thị trường hồi phục trở lại.
Nhà bán lẻ ngoại liên tục mở điểm mới
UNIQLO, thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản, vừa công bố địa điểm khai trương cửa hàng mới nhất với quy mô lớn tại Việt Nam, dự kiến ra mắt mùa Xuân Hè năm nay. Saigon Centre là dự án phức hợp với vị trí chiến lược nằm dọc theo trục đường Lê Lợi, khu vực kinh tế tài chính trọng điểm tại trung tâm quận 1, TP.HCM.
Cửa hàng UNIQLO Saigon Centre sẽ trải dài trên diện tích bán hàng hơn 3.000m2, đây sẽ là nơi trưng bày toàn bộ dòng sản phẩm LifeWear dành cho mọi đối tượng khách hàng nam, nữ, trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đây là cửa hàng mới nhất và là cửa hàng thứ 11 ở Việt Nam của UNIQLO sau hơn 2 năm có mặt.
Còn liên doanh giữa GS Retail và Sơn Kim Group đang triển khai nhượng quyền cửa hàng GS25 cho các nhà đầu tư thứ cấp để có thể đạt tới mục tiêu 10.000 cửa hàng so với khoảng 150 cửa hàng hiện nay.
Trong khi đó, Tập đoàn Central Retail Việt Nam mới đây đã tổ chức sự kiện hoàn thành công trình xây dựng Trung Tâm Thương Mại GO! Lào Cai”, thành phố Lào Cai. Đây là điểm bán lẻ mới nhằm tăng cường sự hiện diện rộng khắp của nhà bán lẻ đến từ Thái Lan này.
Sau thương vụ mua lại Big C, Central Retail liên tục mở rộng hệ thống bán hàng và hiện đã có hơn 290 cửa hàng và 40 trung tâm thương mại ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Central Retail dự kiến rót thêm 1,1 tỉ đô la để phủ rộng điểm kinh doanh khắp tỉnh thành trong năm năm.
Trong khi đó, MM Mega Market, một thành viên của Tập đoàn BJC được biết đến từ sau thương vụ mua chuỗi Cash & Carry ở Việt Nam từ tập đoàn Metro. Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm chuyên biệt của từng nhóm khách hàng, nhà bán lẻ này còn mở thêm trung tâm quy mô nhỏ hơn tại nội thành, để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận MM.
MM còn phát triển thêm mô hình Trung tâm dịch vụ thực phẩm (Food Service), Kho lưu trữ – phân phối (Depot) và Hybrid Food Service – điểm kết hợp mua sắm cho khách hàng hộ gia đình và khách hàng chuyên nghiệp ở các thành phố du lịch…
Chưa hết, một số nhà bán lẻ Nhật Bản khác dù chưa chính thức đặt chân ở Việt Nam nhưng vẫn khẳng định quyết tâm “định cư” ở đây bất chấp những khó khăn trước mắt. Như chuỗi cà phê %Arabica gần đây thông báo sẽ mở cửa hàng tại Việt Nam sau khi chọn được mặt bằng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, TPHCM.
Thương hiệu làm đẹp ReFa lần lượt ra mắt ba cửa hàng tại TPHCM và dự kiến mở ở Hà Nội vào giữa năm 2022. Những doanh nghiệp này đang tiếp tục nối dài danh sách các nhà bán lẻ Nhật tại thị trường Việt Nam ngay giữa mùa dịch. Theo ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, thu nhập của người dân tăng lên là yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp Nhật hướng đến thị trường Việt Nam. Ông dự báo xu hướng đầu tư thương mại của Nhật Bản sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới vì còn nhiều tập đoàn bán lẻ lớn khác chưa vào Việt Nam.
Nhu cầu thuê mặt bằng tăng cao sau dịch bệnh
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư, thị trường bất động sản thương mại cho thuê tại TPHCM đã bắt đầu chuyển động từ cuối năm ngoái, đến đầu năm nay thì sôi động hơn.
Tương tự như UNIQLO hay Central Retail, nhiều thương hiệu bán lẻ nước ngoài khác như Muji, GS25, FamilyMart, AEON Mall… đang tiếp tục tìm các vị trí mới để mở kinh doanh, có quy mô lớn lên đến hàng ngàn mét vuông tại TPHCM.
Theo quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills TPHCM, cùng với các thương hiệu đã có tiếng tại thị trường Việt Nam, một số thương hiệu mới cũng đang tìm kiếm mặt bằng lớn.
Những thương hiệu này thường có yêu cầu cao về vị trí, mặt tiền, diện tích, khả năng trưng bày… cho nên các mặt bằng tại quận trung tâm hoặc các trung tâm thương mại lớn, nổi tiếng vẫn đang khan hiếm.
Nhu cầu mở rộng chuỗi cửa hàng của các thương hiệu vẫn đang âm thầm diễn ra, kéo theo thị trường thuê bất động sản thương mại sôi động hơn.
“Các mô hình cửa hàng đa thương hiệu với quy mô diện tích từ 350-1.000 m2 dự kiến vẫn sẽ mở rộng nhờ vào khả năng đem đến một điểm đến tích hợp dịch vụ làm hài lòng khách mua sắm”, đại diện Savills TPHCM chia sẻ.
Thị trường vẫn... nhiều tiềm năng
Các nhà bán lẻ nước ngoài nhìn nhận kết quả năm 2021 tăng trưởng thấp chủ yếu là do bị ảnh hưởng Covid-19, nhưng về dài hạn Việt Nam vẫn là một thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh. Các nhà bán lẻ ngoại tiếp tục kiên định với chiến lược phát triển bền vững và gắn bó lâu dài tại Việt Nam. Bên cạnh mở thêm điểm bán rộng khắp, họ tiếp tục đầu tư vào thương mại điện tử, kỹ thuật số nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.
Thực tế cho thấy ngành bán lẻ Việt Nam đang trong quá trình phục hồi. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong ba tháng qua đều tăng cao so với những tháng áp dụng giãn cách trong nửa cuối năm 2021. Các công ty chứng khoán cũng dự báo ngành bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ bởi tiến độ tiêm vaccine ngày càng bứt phá và Chính phủ mở cửa trở lại mọi hoạt động kinh tế.
Từ năm 2019 trở về trước, thị trường bán lẻ Việt Nam cho thấy có tốc độ tăng trên 10%. Thậm chí năm 2020, dù bị ảnh hưởng Covid-19, bán lẻ Việt Nam vẫn tăng thêm hơn 11 tỉ đô la so với 2019, đạt hơn 172 tỉ đô la. Do đó, theo giới phân tích, trong bối cảnh khó khăn này, các nhà bán lẻ ngoại với tiềm lực tài chính mạnh tiếp tục “lót ổ” đầu tư là sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh về sau.