Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Mỹ có số lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay vượt cả nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vừa công bố trong 2 tháng vừa qua, cả nước có 400 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt 769,6 triệu đô la Mỹ, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàn Quốc và Singapore vẫn tiếp tục dẫn đầu về số lượng giao dịch thông qua hình thức đầu tư góp vốn và mua cổ phần (hay thường gọi là mua bán - sáp nhập (M&A) ở Việt Nam.
Cụ thể Hàn Quốc có đến 144 lượt giao dịch thành công với tổng vốn đầu tư là gần 93 triệu đô la. Trong khi đó, dù Singapore có số lượt giao dịch nhiều thứ 2 đạt 52 giao dịch nhưng lại dẫn đầu tổng vốn đầu tư, đạt gần 440 triệu đô la.
Những vị trí kế tiếp trước đây thường thuộc các nhà đầu tư Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan… Thế nhưng trong hai tháng qua, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ 3 về số lượng giao dịch M&A với 35 lượt giao dịch. Trong khi đó, nhà đầu tư đến từ nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đứng thứ 4 với 30 lượt giao dịch trong 2 tháng vừa qua.
Đối với hình thức đầu tư trực tiếp vốn nước ngoài (FDI) thì cùng thời gian trên Trung Quốc chỉ có 28 dự án; trong khi Mỹ chỉ có 6 dự án đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Như vậy điều này phần nào cho thấy xu hướng các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Mỹ đang chuộng hình thức đầu tư góp vốn và mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước hơn là đầu tư trực tiếp, tự triển khai dự án.
Tuy nhiên, quy mô vốn góp của các lượt giao dịch M&A đến từ hai nền kinh tế này còn khá nhỏ. Đơn cử như Trung Quốc, tổng vốn giao dịch chỉ đạt gần 15,6 triệu đô la, trong khi tổng vốn của các nhà đầu tư Mỹ góp thông qua hình thức giao dịch M&A trong 2 tháng vừa qua chỉ 6,33 triệu đô la.
Đài Loan trong 2 tháng qua có 23 lượt giao dịch qua hình thức đầu tư M&A nhưng có vốn đăng ký hơn 18 triệu đô la. Trong khi Nhật Bản có 18 lượt giao dịch đầu tư gián tiếp với tổng vốn là gần 32 triệu đô la.
Cùng thời gian trên Thái Lan có 6 lượt giao dịch nhưng tổng vốn góp mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam lên đến gần 129 triệu đô la…
Với triển vọng dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A), mua bán cổ phần chiến lược hay cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được các chuyên gia và giới phân tích dự báo là sẽ tiếp tục được đẩy nhanh và sôi động trong năm nay và những năm tới.
Kết quả khảo sát của KPMG cũng cho thấy, hầu hết các nhà đầu tư đang lạc quan và tin tưởng vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Đây sẽ là nền tảng hỗ trợ cho thị trường M&A, đặc biệt là các lĩnh vực hấp dẫn với hoạt động M&A.