Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân có giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng, trung cấp và sơ cấp) cho học sinh lựa chọn sau Trung học phổ thông, và giáo dục nghề nghiệp cho học sinh lựa chọn sau Trung học cơ sở nếu không chọn học tiếp các trường trung học phổ thông, mỗi em sẽ phù hợp với một hướng đi.
Tuy nhiên, một thực trạng đang tồn tại từ rất lâu, việc đa số phụ huynh và học sinh vẫn coi nặng vấn đề phải thi đậu bằng được vào các trường đại học thì mới dễ dàng thăng tiến nghề nghiệp và có thu nhập cao.
Thực tế, một lượng học sinh 12 đã vào đại học, nhưng rồi bỏ học hoặc ra trường đi làm trái ngành, trái nghề. Phần lớn, nguyên nhân do lựa chọn ngành nghề và bậc học bất hợp lý ngay từ đầu chứ không phải vì các em vào học đại học mà thất nghiệp. Điều này, đã làm lãng phí một nguồn nhân lực lớn không phù hợp.
Vấn đề nghịch lý của thị trường lao động Việt Nam là thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao ở các ngành cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội hội nhập và công nghiệp 4.0.
Cùng với giáo dục đại học, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng, trung cấp và sơ cấp) đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập.
Cũng có nhiều ý kiến nói rằng, không cần bằng cấp, chỉ cần giỏi nghề là thành công. Điều này không còn đúng trong thị trường lao động hiện nay nữa, giai đoạn tiếp cận công nghệ, tiếp cận tri thức, bắt buộc chúng ta muốn thành công thì phải bước qua hệ đào tạo của các trường, phải tiếp cận được tri thức của nhân loại, tri thức của các ngành nghề đó rồi mới chuyển đổi thành kỹ năng để đi đến thành công.
Bằng cấp là một yếu tố quyết định thành công nhưng không phải yếu tố quan trọng nhất. Yếu tố quyết định thành công của con người trong thị trường lao động là mỗi người phải làm sao đưa bằng cấp mình học tập trở thành kỹ năng nghề nghiệp.
Tuy nhiên, đừng hiểu sai giữa bằng cấp và nghề nghiệp hay giữa bằng cấp và giá trị thị trường lao động, mà nó là những yếu tố kết hợp, hòa quyện. Và mỗi học sinh hãy chọn một ngành nghề, chương trình học phù hợp với chính mình.
Trần Anh Tuấn
(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế)