01/05/2023 06:51

Nhân lực chất lượng cao và những yêu cầu của thị trường lao động phát triển

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nên mối quan hệ chặt chẻ, gắn kết giữa con người và công nghệ số, trong đó với sự phát triển liên quan đến tự động hóa, số hóa và nhu cầu về kỹ năng… đã làm thay đổi nhanh chóng nhận thức, tư duy về những xu hướng đổi mới trong đời sống xã hội.

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đang từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, tăng cường đổi mới sáng tạo… điều đó đòi hỏi nhiều hơn và cao hơn các kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng xúc cảm xã hội.

Theo xu hướng thực tế, đối với hướng phát triển tại thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới sẽ làm: Gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; Chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; Lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; Việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường lao động…

Riêng đối với kỹ năng số (bao gồm các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc cho phép con người tiếp cận và sử dụng công nghệ số…) là một trong những yếu tố quan trọng đối với người lao động trong bối cảnh các hình thái, tính chất công việc không ngừng thay đổi như hiện nay. Vì vậy, những động thái trên cũng bắt nguồn từ sự dịch chuyển thời kỳ chuyển đổi số và sẽ trở thành xu thế chủ đạo trong thời đại số hóa.

Theo thống kê tại Việt Nam, có đến 68% công việc hiện đòi hòi kiến thức về kỹ năng số với những kỹ năng số cơ bản, trong khi đó 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu. Bên cạnh đó, việc sử dụng kỹ năng số ở các mức độ khác nhau tại Việt Nam cũng có sự khác biệt so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề Kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng - Pháp luật - Hành chính chiếm tỷ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỷ trọng 3-5%.

Còn đối với Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân trên 90%. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo Đại học chiếm tỷ trọng bình quân 20%, Cao đẳng chiếm 18%, Trung cấp chiếm 27% và Sơ cấp chiếm 25%.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là nhóm lao động lành nghề ở một hoặc nhiều lĩnh vực nào đó. Những nhân lực này có thể đảm bảo chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và công cụ hỗ trợ và việc họ thành thạo kỹ năng đã khiến họ trở thành một lao động giỏi, có chuyên môn tốt trong nghề nghiệp của mình.

Trên thực tế, các tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao họ chú trọng ưu tiên tuyển chọn nhân sự có tay nghề, chuyên môn tốt, để ứng dụng công nghệ mới, gia tăng năng suất lao động, cũng như chất lượng công việc...

Trong khi xu hướng hiện nay các ngành nghề đều cần nhân lực chất lượng cao, chiếm tỷ trọng nhiều là các nhóm ngành công nghệ kỹ thuật (công nghệ thông tin, công nghệ cơ khí, hóa, chế biết thực phẩm, công nghệ xây dựng, môi trường…), kinh tế - kinh doanh - thương mại, marketing - tài chính - nhân sự - du lịch - khách sạn... cùng nhân lực trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, sư phạm, Y tế và nông nghiệp…

Với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, tạo nhiều điều kiện tiếp cận với thực tiễn… hiện tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề đang tích cực đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, theo hướng hội nhập, đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Đồng thời đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 và kiểm định cấp cơ sở giáo dục theo chuẩn trong nước vá quốc tế.  

Hiện tại đối với nhu cầu nhân lực tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, dạy nghề… luôn cần thiết. Vì vậy các bạn sinh viên, học sinh không nên e ngại hoặc lo âu quá nhiều về thất nghiệp, vì xã hội đang mở ra những cơ hội rất lớn cho các em, tuy nhiên các em phải thật sự năng động để thích ứng, tự tạo cơ hội để trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cao. 

Những lao động giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ và có khả năng thích nghi tốt với môi trường làm việc nhiều biến động sẽ được đánh giá cao. Đặc biệt, các nhà tuyển dụng cho rằng kỹ năng học hỏi tích cực trở thành một yêu cầu cần thiết của mỗi người lao động.

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/nhan-luc-chat-luong-cao-va-nhung-yeu-cau-cua-thi-truong-lao-dong-phat-trien-75.html