28/04/2025 07:25

Nhân lực trẻ cần định hướng trong chọn nghề và học tập tích cực

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và Trung học Cơ sở (THCS) chuyển cấp vào lớp 10 năm 2025 đang đến gần, mùa hướng nghiệp tuyển sinh đang vào giai đoạn hoàn tất… để tạo nên những bước tiến mới cho các em trên con đường học vấn.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm hướng nghiệp và thị trường lao động, tôi đã tham gia các chương trình hướng nghiệp cho các học sinh đến nay đã hơn 250 trường THPT, trên 100 trường THCS tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tôi đã thường xuyên nhận được 02 câu hỏi và trả lời dưới đây:

- Tương lai chúng em tới đây chắc là thất nghiệp, vì AI có thể cướp mất công việc làm? Tôi trả lời, sẽ có nhiều cơ hội việc làm cho nhân lực số, nhân lực chất lượng cao.

- Vậy nên học Đại học, Cao đẳng, hay Trung cấp sẽ tốt hay không học gì cả? Tôi trả lời, nếu không học gì cả thì sẽ lạc hậu và gần như bị triệt tiêu trong thời đại số. Còn học gì, học như thế nào? thì sự lựa chọn phù hợp với mổi học sinh.

Khi tốt nghiệp THPT, nếu tiếp tục con đường học vấn… sẽ là cao đẳng, đại học. Còn tốt nghiệp THCS thì nên học tiếp THPT, giáo dục thường xuyên hoặc các hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp… Vì việc làm xuất phát từ việc tích cực học tập, lành nghề và tạo ra giá trị nghề nghiệp phù hợp. Nên người giỏi hiện nay không phải là điều gì cũng biết, mà là phải biết mình giỏi điều gì.

Công nghệ phát triển, quá trình chuyển đổi xanh, những thay đổi về kinh tế vĩ mô đang thúc đẩy sự chuyển đổi trên thị trường lao động toàn cầu, định hình lại cả việc làm và các kỹ năng cần thiết, sng song yêu cầu về bằng cấp và tuyển dụng dựa trên kỹ năng. Những tiến bộ công nghệ sẽ thúc đẩy sự thay đổi kỹ năng trong vòng 5 năm tới:

Trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn; mạng và an ninh mạng; hiểu biết công nghệ cùng với khả năng tiếp cận kỹ thuật số, xử lý thông tin tư duy phân tích và tư duy hệ thống trong quá trình ra quyết định giải quyết vấn đề hiệu quả dựa trên dữ liệu.

Yêu cầu đào tạo nhân lực phải nâng cao kỹ năng mềm, là những kỹ năng mà AI không thể có được như con người. Đặc biệt là kỹ năng tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, đàm phán, giao tiếp xã hội...

Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, để phục vụ quá trình phát triển và hội nhập. Do vậy, phát triển giáo dục đại học đồng bộ với giáo dục nghề nghiệp phải gắn với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia của từng Tỉnh, Thành phố mà mục tiêu bao trùm là đào tạo theo nhu cầu của xã hội, nhu cầu thị trường lao động.

Việc dịch chuyển lao động giữa các ngành nghề, các khu vực kinh tế và hội nhập, thu hút cả lao động phổ thông, lao động có tay nghề ở những trình độ đào tạo khác nhau… Góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho bộ phận lao động dư thừa đang có xu hướng tăng và đáp ứng nhu cầu lao động cho nhiều ngành nghề mới.

Sự tự do di chuyển lao động sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, góp phần gia tăng sự mất cân đối cung - cầu lao động, đặc biệt là nguồn cung lao động có kỹ năng và trình độ cao. Khi đó, dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm, đòi hỏi trình độ cao đối với thị trường lao động trong nước.

Xuất phát từ thực tế, vấn đề đặt ra là cần đào tạo một đội ngũ tay nghề cao, tiếp cận công nghệ hiện đại và được quốc tế công nhận. Qua đó, giúp lao động tự tin hơn khi cạnh tranh về mức lương, cơ hội việc làm.

Tuy vậy, việc cung cấp những thông tin đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động phối hợp chưa thực sự hiệu quả cao, dẫn đến tình trạng việc đào tạo vẫn chưa thật sự bám sát vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và xã hội; còn nhiều sinh viên, học viên chưa có điều kiện thực hành thực tế… Như vậy, nhà trường và doanh nghiệp đều cần có một hệ thống thông tin về thị trường lao động, những nhận định đánh giá định kỳ về cơ cấu đào tạo, nhu cầu việc làm và những chính sách của nhà nước.

Dù các ngành nghề nào tương lai có hay mất đi và những ngành nghề nào phát triển, thu nhập cao, thì sự lựa chọn nghề và ngành học trong hệ thống đào tạo của Quốc gia hiện nay là cần thiết nhất, phù hợp nhất của mỗi học sinh, và là quyết định thành công tương lai. Bên cạnh đó, công nghệ đóng vai trò trung tâm, chuyển đổi của thị trường lao động và khả năng học hỏi, thích ứng… sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công của mỗi người trong tương lai.

Trong kỷ nguyên AI, sự sáng tạo là yếu tố quan trọng trong làm việc của tất cả ngành nghề chọn học, AI có khả năng xử lý dữ liệu và tự động hóa nhiều nhiệm vụ, nhưng khả năng sáng tạo, tư duy phản biện và tương tác xã hội… vẫn là những lĩnh vực mà con người giữ vai trò chủ chốt. Vì vậy, những xu hướng việc làm mới không chỉ ảnh hưởng đến cách thức mà là giá trị hành nghề trong xã hội hiện đại.

Hiện nay, việc chọn nghề, ngành học, hệ đào tạo là thích hợp nhất, tích cực học tập, thích nghi những thay đổi, rèn luyện kỹ năng và thích ứng với mô hình làm việc mới, thì mỗi cá nhân sẽ thành công trong thị trường lao động tương lai. Vì thị trường lao động tương lai đang có những phân khúc mới, thường xuyên biểu hiện mất cân đối cung - cầu lao động, các doanh nghiệp và các trường đào tạo đang tích cực chuyển đổi… nên chưa đồng bộ trong thúc đẩy nhanh phát triển cung - cầu, trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, nhiều lao động qua đào tạo, kể cả có trình độ cao nhưng kỹ năng chưa đáp ứng phù hợp nhu cầu nhân lực qua đào tạo gắn với chuyển đổi số, khả năng thích ứng với sự chuyển đổi của xã hội ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thị trường lao động của thời đại số, vai trò chủ đạo của công nghệ kết nối kỹ thuật số.

Do đó, nguồn nhân lực trẻ cần được định hướng trong chọn nghề và học tập tích cực, xác định phẩm chất và năng lực cần rèn luyện phù hợp với yêu cầu của nhóm nghề lựa chọn, tạo giá trị hành nghề phù hợp với yêu cầu phân công lao động trong nước và quốc tế.

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/nhan-luc-tre-can-dinh-huong-trong-chon-nghe-va-hoc-tap-tich-cuc-75.html