Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astronomical Journal, các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Ames đã xem xét dữ liệu Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh (TESS) của NASA và phát hiện ra rằng, 73 trong số hàng trăm ngôi sao lân cận mà TESS xác định được chính là vật chủ tiềm năng của các ngoại hành tinh mà trước đó chỉ xuất hiện như là một điểm sáng đơn.
Sau khi xác định các sao đôi, nhóm nghiên cứu đã so sánh kích thước của các hành tinh được phát hiện trong hệ sao đôi với các hành tinh trong hệ sao đơn. Họ nhận ra có những hành tinh lớn và nhỏ trong hệ sao đơn, nhưng chỉ có những hành tinh lớn trong hệ sao đôi.
Ánh sáng từ ngôi sao thứ hai khiến việc phát hiện những thay đổi về ánh sáng của ngôi sao thứ nhất - khi hành tinh đi qua phía trước nó - trở nên khó khăn hơn. Việc phát hiện những thay đổi này hiện là phương pháp tối ưu để tìm kiếm các hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng các ngôi sao trong hệ sao đôi có hành tinh thường cách xa nhau hơn so với hệ không có hành tinh. Điều này cho thấy các hành tinh không hình thành xung quanh các ngôi sao gần với ngôi sao đồng hành của nó.
Tác giả chính Katie Lester cho hay: "Chúng tôi đã chứng minh rằng việc tìm thấy các hành tinh có kích thước bằng Trái đất trong hệ sao đôi là rất khó bởi các hành tinh nhỏ bị lạc trong ánh sáng chói của hai ngôi sao mẹ. Vì khoảng 50% các ngôi sao nằm trong hệ sao đôi nên chúng ta có thể đã bỏ lỡ việc khám phá và nghiên cứu rất nhiều hành tinh giống Trái đất".