09/08/2022 08:44

Nhu cầu nhân lực hệ Cao đẳng trong thị trường lao động thời kỳ kỷ nguyên số!

Thực tế, một lượng học sinh trung học phổ thông sau khi tốt nghiệp đã vào Đại học, nhưng rồi bỏ học hoặc ra trường đi làm trái ngành, trái nghề. Phần lớn, nguyên nhân do lựa chọn ngành nghề và bậc học bất hợp lý ngay từ đầu, chứ không phải vì các em vào học Đại học mà thất nghiệp. Điều này, đã làm lãng phí một nguồn nhân lực lớn không phù hợp.

Hiện tại, vấn đề nghịch lý của thị trường lao động Việt Nam là thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển, nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao ở các ngành cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội để hội nhập và công nghiệp 4.0.

Cùng với giáo dục Đại học, Cao đẳng đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Mỗi người có cá tính, sở thích, đam mê và khả năng khác nhau thì sự kỳ vọng vào tương lai sẽ khác nhau... nên việc chọn con đường tiến thân sẽ không giống nhau. Do đó, có nhiều học sinh đã chọn học nghề hệ Cao đẳng, điều này đồng nghĩa đã có tính hướng nghiệp cho tương lai chính mình.

Hệ đào tạo Cao đẳng là giải pháp cân đối Cung - cầu thị trường lao động, giảm tải được tình trạng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp, vì thiếu kỹ năng, không đáp ứng được công việc thực tế, hoặc học không đúng năng lực, sở thích của bản thân... Đó là sự phù hợp trong hai bậc đào tạo nhân lực trình độ cao (hệ Đại học và Cao đẳng).

Nhu cầu nhân lực cần qua đào tạo chiếm bình quân trên 90%. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp chiếm tỷ trọng bình quân trên 75% (có trình độ Cao đẳng chiếm 20%, Trung cấp chiếm 30% và Sơ cấp 25%). Với những yếu tố này, chắc chắn thị trường lao động Việt Nam sẽ có những chuyển biến lớn với việc gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động qua đào tạo nói chung và các hệ giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

Bậc Cao đẳng thường tập trung vào việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trong một ngành hẹp. Người tốt nghiệp ra có chuyên môn tốt, và bắt nhịp với công việc nhanh. Vì thế, họ nhanh chóng hòa nhập và đôi khi mức lương khởi điểm cao hơn người học hệ Đại học. Đổi lại, người học Đại học được trang bị nhiều kiến thức nền hơn, vì thế khả năng thăng tiến về lâu dài thường cao hơn người học Cao đẳng.

Hiện nay các doanh nghiệp không còn quá quan trọng vấn đề bằng cấp mà chú trọng đặc biệt đến khả năng tiếp cận, xử lý công việc. Do đó, học Cao đẳng hoàn toàn có thể thăng tiến trong sự nghiệp. Chưa kể đến, nhiều người sau khi đi làm một thời gian lại tiếp tục học 2 năm còn lại để lấy bằng Đại học, thậm chí sau đó là bằng Thạc sĩ hoặc cao hơn, khi họ có điều kiện về tài chính và thời gian tốt hơn.

Thực tế chứng minh nhiều sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng nhưng có kiến thức chuyên môn tốt, cùng kinh nghiệm thực tiễn giá trị, đã thành công khi làm việc tại các Tập đoàn lớn. Ngoài ra, nhiều sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng có vốn liếng kinh nghiệm và khả năng tài chính nhạy bén đã lập nghiệp và thực hiện ước mơ, gây dựng nên những thành tựu rất có giá trị.

Bước vào Cách mạng công nghiệp 4.0 là bước vào thời đại kỷ nguyên số, đòi hòi tất cả ngành nghề ít nhiều đều liên quan đến kỹ thuật để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế là rất nhiều. Tuy nhiên, giữa cung cầu là giá trị sức lao động, giá trị ngành nghề tạo ra. Ở bất cứ ngành nghề nào, ở trình độ nào đi nữa không có giá trị ngành nghề, giá trị sức lao động sẽ bị thị trường lao động loại bỏ.

Do đó, việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp là hết sức là quan trọng, trong đó đặc biệt là chọn trường sao cho phù hợp với khả năng của mình. Dù lựa chọn Đại học hay Cao đẳng thì bản thân mỗi học sinh, sinh viên đều cần phải tự rèn luyện những tố chất riêng cho mình để có thể được trọng dụng khi đi làm tại các doanh nghiệp.

Vì thế, chọn nghề là chọn cho mình một tương lai, hay có thể nói đó là sự chọn lựa những điều quan trọng nhất cho một hành trình tương lai, bởi giá trị sức lao động, giá trị ngành nghề không nằm trên tấm bằng, càng không phải được quy định bởi tên trường tốt nghiệp in trên tấm bằng ấy... mà là những quyết định đúng đắn cho sự thành bại trong cuộc đời .

Trần Anh Tuấn
Chủ tịch HĐKH Viện Đào tạo và phát triển nhân lực

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/nhu-cau-nhan-luc-cao-dang-trong-thi-truong-lao-dong-thoi-ky-ky-nguyen-so-75.html