Thực tế cho thấy, trình độ và tri thức sẽ là yếu tố quan trọng trong lao động sản xuất ở tương lai. Điều này làm phát sinh một thị trường lao động việc làm tách biệt, tạo nên các mảng "kỹ năng thấp/lương thấp" và "kỹ năng cao/lương cao".
Hiện tại, đối với những ngành nghề sử dụng lao động ít chuyên môn, kỹ năng thấp, thái độ làm việc kém… phần lớn lực lượng lao động này dễ mất lợi thế cạnh trạnh, công việc không ổn định, dẫn đến mất việc làm.
Song song đó, nghịch lý đang diễn ra, thị trường lao động vẫn tồn tại những bất cập, nơi thừa lao động phổ thông, lao động chuyên nghiệp, nơi thiếu lao động tay nghề cao, đã qua đào tạo, có trình độ cao… tạo nên sự chênh lệch cung – cầu lao động, làm mất cân đối giữa các ngành nghề.
Khi đó, nhiều người tìm không được việc làm hoặc mất việc, trong khi các doanh nghiệp cần người làm thì lại không tuyển dụng được, kể cả cho xuất khẩu lao động, di chuyển lao động hội nhập khu vực…
Nhìn chung, thị trường việc làm hiện nay và tương lai luôn cần nhân lực chất lượng cao là người làm thông thạo bất kỳ một nghề nào đó, việc thành thạo đó khiến họ trở thành một lao động giỏi và có kỹ năng chuyên môn tốt trong nghề của mình.
Đối với nhân lực chất lượng cao phải là nhân lực với 4 đặc trưng chính: Có trí tuệ, nhân cách, tay nghề vượt trội và có năng lực thực tế, để hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc nhất so với mặt bằng chung của nền kinh tế, phù hợp với xã hội hiện đại và tri thức.
Ngoài ra, để thích ứng trước tình hình xã hội đang phát triển như hiện nay, thì việc chuyển đổi số đang trở thành bắt buộc đối với tất cả mọi ngành nghề, đồng thời các cuộc cách mạng công nghiệp có thể làm mất đi một số nghề nhưng lại tạo ra nhiều ngành nghề mới.
Đó là bài toán cấp bách trong thời điểm hiện nay bởi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội mới, điều kiện mới, làn gió mới… nhưng cũng sẽ đóng vai trò đào thải những ngành nghề tụt hậu, không bắt kịp xu hướng và khó đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Mặt khác, những ứng dụng trong tiến bộ công nghệ không hoàn toàn lấy đi công việc của con người, mà thực tế còn tạo ra nhiều công việc khác với cấp độ cao hơn, đòi hỏi con người phải học hỏi, luôn cập nhật và tiếp thu những kiến thức hoàn toàn mới.
Đặc biệt, các công việc liên quan đến quản lý con người, ý tưởng sáng tạo và có tính tương tác về mặt cảm xúc, xã hội cao sẽ không dễ bị đào thải trong tương lai.
Trong khi đó, top 10 trong số đó phải kể: Quản lý và phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng iot, công nghệ thông tin, thiết kế vật liệu mới, kinh tế và quản trị kinh doanh số như Fintech, edutech…
Phần đông, do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu, những công việc liên quan lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử… sẽ trở thành xu hướng và phát triển nhanh trong tương lai.
Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện tại là phải đào tạo và đào tạo bổ sung cho người lao động dựa trên nền tảng chuyển đổi số, tăng hiệu suất, rút ngắn thời gian cập nhật… để khả năng thích ứng của người lao động trở nên dễ dàng với công việc hơn.
Đồng thời, cũng sẽ tạo ra nguồn nhân sự có kỹ năng và tay nghề cao, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư khi chuyển giao công nghệ và xây dựng các công xưởng sản xuất mới.
Trần Anh Tuấn
(Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. HCM - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế)