30/05/2022 05:17

Nông dân kiến nghị xin gỡ nút thắt đưa nông sản sang Trung Quốc

Việc xuất nông sản sang thị trường Trung Quốc bị "tắt" trong thời gian qua khiến nhiều nông dân quan ngại và đặt câu hỏi với người đứng đầu Chính phủ để tìm cách tháo gỡ.

Thông tin trên được ghi nhận tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân chủ đề: “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” vào 29-5.

Thanh Long là một trong những mặt hàng nông sản xuất nhiều sang Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Internet)

Nông dân Trần Như Kiên, huyện Yên Châu (Sơn La), chia sẻ thời gian qua, người nông dân Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, nhiều diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng, đã được xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên từ năm 2020, các chính sách kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc đã khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Do đó, nông dân kiến nghị Chính phủ có các giải pháp để hỗ trợ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trái cây tươi khi xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chiếu xạ thường phải chuyển vào các tỉnh phía Nam xử lý nên tăng thời gian vận chuyển, dẫn tới thương nhân thu gom thường giảm giá mua tại vườn của người dân. Ông nông dân Kiên đề nghị các bộ ngành xây dựng các nhà máy chiếu xạ tại các địa phương để hỗ trợ nông dân xuất khẩu.

Trên thực tế, vai vấn đề vướng mắc nói trên không riêng với người nông dân ở Sơn La mà nông dân ở nhiều tỉnh thành khác cũng bị ảnh hưởng với tình trạng này khi xuất sang thị trường Trung Quốc.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng 2 năm vừa qua, Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid nên việc thông quan nông sản gặp nhiều khó khăn. Mặt khác nữa, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có trái cây, chưa ký được hiệp định với phía Trung Quốc về kiểm dịch. Và theo ông, trên thực tế, rất nhiều sản phẩm nông sản của chúng ta chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng nên còn ách tắc.

"Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, đã duy trì chính sách giao thiệp với Trung Quốc để thống nhất với nhau về cách thông quan hàng hoá. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán ký Nghị định thư về xuất khẩu nông sản", ông nói.

Mặt khác, để đưa hàng hóa vào thị trường nội địa Trung Quốc, theo ông Diên, cần chuyển đổi tư duy sản xuất, từ tư duy sản xuất tự phát sang sản xuất theo tín hiệu thị trường. Điều này, các địa phương cần có chiến lược rõ ràng, quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và có hướng dẫn rất cụ thể về quy trình canh tác, quy trình sản xuất để bảo đảm được chất lượng sản phẩm của chúng ta đạt chuẩn.

Ngoài ra, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước đây bởi họ đã đưa ra hàng loạt tiêu chuẩn về hàng hoá. Đặc biệt, Trung Quốc đã tham gia hiệp định RCEP với cùng với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN bắt đầu từ đầu năm 2022. Cho nên, theo ông Diên, cần sản xuất theo tín hiệu thị trường, sản xuất theo xuất khẩu chính ngạch, nghĩa là sản phẩm làm ra ít nhất phải truy xuất được nguồn gốc, và sản phẩm phải đạt được tiêu chuẩn, đáp ứng với thị trường Trung Quốc.

Có thời điểm hàng ngàn xe container hàng hóa Việt Nam bị ùn ứ tại cửa khẩu biên giới Trung Quốc. (Ảnh minh họa: báo NLD)

Tương tự, theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thông (NN&PTNT), xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch là cả một quá trình. "Chúng ta không chỉ bán tiểu ngạch ở cửa khẩu biên giới mà cần phải bán sâu vào nội địa phía Bắc của Trung Quốc thì mới bảo đảm tính an toàn và lợi nhuận của chúng ta cao hơn", Bộ trưởng NN&PTNT nói.

Thực tế trong mấy ngày gần đây, có rất nhiều địa phương đàm phán với các thương nhân Trung Quốc để đưa nông sản vào sâu nội địa, tiếp cận gần với thị trường Bắc Kinh, Thượng Hải, ông Hoan nói.

Chia sẻ với ông Kiên và nhiều nông dân khác về vấn này, Thủ tướng cho hay đã có nhiều cuộc giao thiệp với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Lập tổ công tác do lãnh đạo Bộ Công thương đứng đầu.

Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của chúng ta. Người đứng đầu Chính phủ nói thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước. "Chúng ta cần có các giải pháp trước mắt và lâu dài. Cần thời gian quá độ để thúc đẩy sản xuất chính ngạch", Thủ tướng nói.

Liên quan đến việc chiếu xạ nông sản, theo Bộ trưởng Hoan, nông sản miền Bắc không cần chuyển vào miền Nam để chiếu xạ. Bởi lẽ, trung tâm chiếu xạ ở Hà Nội đáp ứng, nhưng do mỗi lần chiếu xạ số lượng quá ít nên chi phí khá cao. "Chuyển vào miền Nam thì chi phí chiếu xạ rẻ hơn, bởi trong đó họ chiếu xạ quanh năm, do có mùa màng trái cây quanh năm", ông Hoan nói.

Do đó, theo ông Hoan, để chi phí chiếu xạ thấp, các tỉnh phía bắc như Sơn La, Bắc Giang nên xem lại để có thể chiếu xạ một lần với số lượng lớn, giảm chi phí.

"Nếu chúng ta làm với tinh thần đi buôn chuyến, lâu lâu có một chuyến đi chiếu xạ thì sẽ đội chi phí lên rất cao nên chúng ta cần cân nhắc", ông Hoan nói, và cho biết: "Hai bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tìm cách để giảm giá thành phù hợp".

Xuân Lộc

Link nội dung: https://eranet.vn/nong-dan-kien-nghi-xin-go-nut-that-dua-nong-san-sang-trung-quoc-77.html