Vừa qua, Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) cảnh báo việc kẹo thạch sữa trái cây XZL Milk Fruit Jelly School Bags có nguy cơ gây nghẹt thở vật lý khi sử dụng. Bộ Công Thương Việt Nam cũng khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi sử dụng loại kẹo thạch này.
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, thông tin cảnh báo từ Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA), hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Interdragon International Trading và Công ty trách nhiệm hữu hạn Assia Oriental Market đang tự thu hồi kẹo thạch sữa trái cây XZL Milk Fruit Jelly School Bags. Những lô hàng bị thu hồi có hạn sử dụng trước ngày 1/9/2022 và 30/9/2022.
Theo đó, sản phẩm trên được cho là có chứa phụ gia thực phẩm Carrageenan (INS 407), Sodium Alginate (INS 401) và Konjac (INS 425) có nguy cơ gây nghẹt thở vật lý khi sử dụng, khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang.
Trao đổi với báo chí, TS Phan Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho hay, cả 3 loại phụ gia đều được phép sử dụng, thông dụng trong chế biến thực phẩm, với liều lượng cao cũng không gây ngộ độc thực phẩm.
Phụ gia thực phẩm Carrageenan (INS 407) được dùng để tạo đông, đặc, làm dày và tăng cường liên kết. Carrageenan dùng chủ đạo trong làm thạch rau câu, thạch hút, thạch ly, thạch trái cây, thạch 3 màu….
Sodium Alginate (INS 401) được sử dụng nhiều trong sản xuất kem, sôcôla, bánh, món tráng miệng với công dụng làm đặc tạo cấu trúc ổn định cho sản phẩm. Vai trò của nó là chất ổn định trong kem đá bởi các tính chất như: ngăn cản và hạn chế sự tạo thành tinh thể đá trong suốt quá trình đông, ra gel có khả năng giữ nước tốt làm cho kem không bị tan chảy.
Phụ gia Konjac kết hợp cùng với carrageenan tạo nên cấu trúc chắc, giòn cho thạch rau câu, thạch trân châu.
Tuy nhiên, vấn đề nguy hiểm ở đây có thể do nhà sản xuất chế biến viên kẹo quá lớn, cấu trúc loại kẹo này dẻo, tan chậm, khi trẻ ăn nhai cả viên trong miệng rất dễ bị hóc gây ngạt đường thở.
Hiện trên thị trường ngoài kẹo dẻo thạch rau câu, còn có nhiều gói thạch rau câu (loại đựng trong hủ nhựa nhỏ, có lớp nilon bịt kín ở trên, trẻ lột lớp nilon và bóp, mút rau câu vào miệng) rất dễ gây hóc, ngạt đường thở cho trẻ khi mút mạnh, miếng thạch chạy thẳng vào cổ họng. Ngoài ra, các loại hạt trân châu trong trà sữa cũng dễ gây hóc, ngạt cho trẻ tương tự.
“Kẹo dẻo, kẹo thạch rau câu là món ăn nhiều trẻ em yêu thích, nhà sản xuất nên có khuyến cáo độ tuổi trẻ ăn và cảnh báo tránh hóc nghẹt đường thở. Đồng thời, cha mẹ khi cho trẻ ăn loại kẹo này đặc biệt chú ý có thể chia nhỏ kẹo thành nhiều miếng đối với trẻ từ 1-5 tuổi, cũng không nên chủ quan đối với những trẻ độ tuổi lớn hơn, bởi loại kẹo này trơn, dai, tan chậm. Do đó, nếu bị hóc thạch sẽ làm bít tắc đường thở, rất khó lấy ra. Đây được xem là dị vật nguy hiểm khi bị hóc, có thể dẫn tới tử vong rất nhanh”- TS Phan Thế Đồng nhấn mạnh.
Thực tế đã có không ít vụ việc đau lòng xảy ra, nhiều trẻ tử vong chỉ vì ăn thạch rau câu. Như trường hợp bé N.H.Đ (SN 2018, trú tại xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) đến Trạm Y tế xã Nghĩa Bình trong tình trạng toàn thân tím tái, đồng tử 2 bên dãn, không còn phản xạ thần kinh. Đội ngũ y, bác sĩ ở trạm cho biết cháu bé đã tử vong trước đó. Người nhà bệnh nhi cho hay, trước đó cháu Đ. ăn thạch rau câu và bị hóc. Phát hiện sự việc người nhà tìm cách đưa dị vật ra ngoài nhưng không có kết quả.
Theo Chất lượng Việt Nam, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, bệnh viện từng cấp cứu trường hợp bé trai 5 tuổi (thể chất tốt, ngụ quận 10, TP.HCM). Bé đang ăn thạch rau câu nhưng có lẽ do bé mút mạnh nên nguyên miếng thạch rau câu chạy tọt sâu trong cổ họng, khiến mắc nghẹn, gây nghẹt thở. Người nhà đã cố gắng vỗ lưng, ấn ngực để đẩy miếng thạch ra ngoài nhưng không được. Khi đưa đến bệnh viện, bé đã ngưng tim, ngưng thở, trong đường thở của bé còn miếng thạch rau câu bị chắn ngang.
PGS.BS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai từng khuyến cáo, trong các loại dị vật trẻ hóc phải thì thạch rau câu là nguy hiểm nhất, miếng thạch hình trụ, trơn, rất dễ bít kín đường thở của trẻ. Khi hóc thạch, khả năng cứu sống là rất khó vì viên thạch vào khí quản sẽ bị bít đường thở và rất khó để chọc hút dị vật. Hầu hết các trường hợp trẻ bị hóc thạch là tử vong. Nếu cha mẹ cố cho tay móc miếng kẹo ra thì có thể gây tắc đường thở của trẻ có thể khiến trẻ ngừng thở ngay lập tức. Nếu trẻ ăn thạch nên có người lớn giám sát, chia kẹo thành miếng nhỏ và không để trẻ tự ăn thạch, mút miếng thạch vì theo quán tính miếng thạch trơn dễ hóc.
Cũng theo BS Dũng, triệu chứng của hóc, sặc đó là trẻ đột ngột ho dữ dội, da tái xanh, sặc sụa, tím tái, chân tay cứng đờ, không thể khóc, ú ớ. Người lớn phải biết sơ cứu đúng cách bằng cách xoay người cho trẻ nằm úp, đặt nằm dọc cánh tay người lớn. Giữ cổ thẳng, để đầu chúc xuống, vỗ giữa lưng trẻ nhiều (chỗ giữa hai xương bả vai), khoảng 5 cái để kích thích ho, dị vật bắn ra theo đường ho. Tuyệt đối không cho trẻ nằm ngửa vuốt ngược, vuốt xuôi.
Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa dọc cánh tay, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức của trẻ, sau đó nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất.