28/02/2023 06:27

Quan hệ cung cầu chưa hoàn toàn phù hợp thị trường lao động

Trong những bản tin thị trường lao động năm 2022 đã được công bố, đánh giá về thị trường lao động trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nhìn tổng thể, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều. Đáng chú ý là việc mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế, giữa các loại lao động khác nhau (lao động phổ thông, lao động quản lý, lao động trình độ kỹ thuật cao…).

Trong đó, theo trình độ, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đã tăng dần qua các năm, đến quý 2/2022 là 26,2%. Tuy nhiên có sự chênh lệch về tỷ lệ qua đào tạo của lao động giữa khu vực thành thị và nông thôn. Thực tế với tỷ lệ này ở khu vực thành thị đạt 40,7%, cao hơn 2,3 lần khu vực nông thôn (17,8%).

Mất cân đối cung cầu còn thể hiện ở tình trạng người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, không phù hợp giữa cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và ngành nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường.

Theo đó, có tới 84,61% lao động có trình độ Cao đẳng, 65,99% số lao động có trình độ Trung cấp, 22,81% số lao động có trình độ Đại học trở lên… làm các công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng thấp hơn so với trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo. Mặt khác, có khoảng 44,48% lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng cao hơn so với bằng cấp.

Hạn chế rất lớn của các cơ sở đào tạo Đại học và giáo dục nghề nghiệp là việc đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp còn chưa thực sự đồng bộ, hoạt động hợp tác bồi dưỡng kỹ năng nghề cho các nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp để tham gia phối hợp đào tạo còn nhiều hạn chế... Ngoài ra, năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, nhất là thiết bị dạy và học chưa theo kịp công nghệ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… cũng là rào cản mối quan hệ cung - cầu về nhân lực chưa hoàn toàn cân đối phù hợp thị trường lao động phát triển.

Việc dịch chuyển nhanh chóng cơ cấu đầu tư đã đặt ra yêu cầu về nhân lực thay đổi, đòi hỏi cơ cấu nhân lực mới, trong khi đó cung lao động chưa chuyển dịch kịp thời.

Trong thời gian tới sẽ nỗi lên những nghề nghiệp theo xu hướng cơ cấu lao động có sự chuyển đổi từ nhóm nghề giản đơn sang những nghề kỹ thuật chuyên môn, lao động giản đơn trở nên yếu thế. Khi đó nhu cầu tuyển dụng phát triển chính là gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ, chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm.

Việc cạnh tranh nghề nghiệp hiện nay không phải chỉ đơn thuần là cạnh tranh về bằng cấp, cạnh tranh sự thông minh, tài giỏi hay cơ bắp... mà còn là sự cạnh tranh của chất lượng về nghề nghiệp. Vì thế, học sinh, sinh viên và người lao động cần tiếp tục học tập, có trình độ nhất định, phải trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo đó, kỹ năng số bao gồm các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc cho phép con người tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với người lao động trong bối cảnh các hình thái công việc và tính chất công việc không ngừng thay đổi.

Theo thống kê tại Việt Nam, có 68% công việc hiện đòi hòi kiến thức về kỹ năng số với những kỹ năng số cơ bản trong khi đó 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu. Bên cạnh đó, việc sử dụng kỹ năng số ở các mức độ khác nhau tại Việt Nam cũng có sự khác biệt so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Theo đánh giá chung, nhu cầu đào tạo và tái đào tạo nhân lực rất lớn trong xã hội. Lực lượng lao động cần được chú trọng tập trung đào tạo và tái đào tạo bao gồm: Lực lượng lao động đang làm việc trong cả hai khối tư nhân và hành chính công; Những sinh viên trẻ - lực lượng lao động kế cận; Học sinh các cấp làm quen với tri thức và kỹ năng số đảm bảo nhân lực tương lai có khả năng thích nghi với tương lai từ công nghệ và chuyển đổi số. Lúc này, người lao động cần có được các kỹ năng kỹ thuật cũng như sự kết hợp năng lực số (ví dụ như phân tích dữ liệu lớn, mạng bảo mật, truyền thông xã hội) với các kỹ năng mềm… để cải thiện khả năng đáp ứng, thay thế linh hoạt giữa các thành phần kinh tế và nghề nghiệp.

Đồng thời việc thích ứng đào tạo nguồn nhân lực số đang đặt ra yêu cầu, thách thức không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả các cơ sở đào tạo, bao gồm cả đại học và giáo dực nghề nghiệp. Sự biến đổi nhanh chóng của yêu cầu công việc, năng lực tự học… vẫn là ưu tiên số một trong học tập hiện nay. Trong doanh nghiệp cũng vậy, đang chuyển biến theo mô hình doanh nghiệp học tập, theo đó khuyến khích quá trình tự học của nhân viên.

Việc đổi mới cơ cấu, liên kết hợp tác trong đào tạo là đòi hỏi cấp bách để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Vì vậy doanh nghiệp chú trọng giải pháp giúp người lao động đào tạo nâng cao tay nghề cho người công nhân, cho những người lao động… giúp họ có kỹ năng làm việc tốt hơn, từ đó họ tạo năng suất và thu nhập cao hơn.

Việc nâng cao chất lượng đào tạo là giải pháp quan trọng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vấn đề của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp nước ta hiện nay là phải đánh giá được nguồn lực, xây dựng các tiêu chí chuẩn mực, nhằm đảm bảo được hệ thống giáo dục Đại học và giáo dục Nghề nghiệp được mạnh hơn, thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp và tạo được niềm tin của người dân, học sinh, phụ huynh mới có thể phát triển một cách bền vững.

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/quan-he-cung-cau-chua-hoan-toan-phu-hop-thi-truong-lao-dong-75.html