28/09/2023 09:26

Sắp diễn ra Hội thi Thư pháp chào mừng 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”

Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023), để tỏ lòng tri ân sâu sắc đến thầy, cô giáo - những người luôn âm thầm ươm mầm trí tuệ cho bao thế hệ học trò, Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Câu lạc bộ Nghệ nhân Thư pháp Việt tổ chức Hội thi Thư pháp với chủ đề “Tôn Sư Trọng Đạo” lần thứ nhất, năm 2023, tại TP. Hồ Chí Minh.

Mục đích cuộc thi còn là sự kết hợp tư duy và cái tâm người học để tiếp nối truyền thống dân tộc của ông cha ta, trao truyền tinh hoa nét chữ Việt cho thế hệ sau, từ đó tạo ra một sân chơi bổ ích để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, sự kính trọng đối với chữ Việt, giúp cho nhiều người hiểu rõ hơn về nghệ thuật thư pháp Việt và giao lưu học hỏi trên phạm vi cả nước.

Thời gian khai mạc triển lãm và trao giải Hội thi Thư pháp với chủ đề “Tôn Sư Trọng Đạo” lần thứ nhất - năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 15/11 - 20/11. Địa điểm tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Số 10 - 12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh).

Thư pháp là chữ viết đạt một trình cao hơn được gọi là nghệ thuật. PGS. TS. Nhà nghiên cứu di sản Trần Lâm Biền cho biết: Thư pháp ngày xưa là thú chơi chỉ dành cho người hiền tài đức độ, bậc nho sĩ khoa bảng, là thứ chữ thường chỉ có ở trong nhà những gia đình nho học, trọng chữ nghĩa.

Thú chơi chữ và xin chữ ngày xưa khác lắm! Không phải ai cũng có thể trở thành ông đồ. Ông đồ ngày xưa thường là các bậc cao niên trong làng, xã, đã có thời gian trải đời, có con mắt sắc sảo nhìn người. Bằng ấy năm ngoài việc rèn chữ, ông đồ còn phải sống đời đạo đức, ngay thẳng, để phúc lộc cho con cháu, và trường thọ cho bản thân. Ông đồ ngày xưa tuy có thể không giàu sang nhưng tuyệt đối không để bản thân bần hàn. Ông đồ sống an nhiên, tự tại, cuộc sống khiêm hạ kín đáo, không tranh giành hơn thua được mất, lấy chữ Nhẫn làm kim chỉ nam cho cuộc sống, để khi ông đặt bút viết chữ Phúc, Đức, Thọ, Tâm, Tài, Trí… sẽ ứng vận vào. Tướng hình là tướng tâm, tướng chữ cũng là tướng tâm. Nhìn tướng người biết tâm. Nhìn nét chữ biết nết người.

Qua bao biến cố thăng trầm cùng lịch sử, thời đại ngày nay công nghệ hiện đại nhưng thư pháp vẫn luôn có sức sống nội tại riêng biệt. Hiện có những câu lạc bộ thư pháp là nơi gắn kết, lan tỏa nghệ thuật thư pháp đến rộng rãi hơn với nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ có điều kiện tiếp cận bộ môn thư pháp Việt - Di sản nghệ thuật dân tộc mới được duy trì, bảo tồn và phát triển bền vững theo thời gian. Thông qua các tác phẩm, nghệ sĩ thư pháp mang đến đời sống tinh thần phong phú cho người dân. Đây là giá trị tinh thần rất quý! 

Câu lạc bộ Nghệ nhân Thư pháp Việt  trực thuộc Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Chủ nhiệm CLB là Nghệ nhân Thư pháp, Kỷ lục gia Võ Dương.

CLB Nghệ nhân Thư pháp Việt ra đời, mục đích bảo tồn và phát triển thư pháp Việt Nam cũng như giới thiệu người viết thư pháp tham gia vào Hiệp hội Làng nghề, hướng đến danh hiệu được công nhận là nghệ nhân, xứng đáng với những cống hiến cho bộ môn nghệ thuật Thư pháp Việt.

Ngày 25/6/2023, Câu lạc bộ Thư pháp Việt đã gia nhập thành viên Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh và phối hợp với Hội triển khai Chương trình hợp tác kết nối đào tạo thư pháp cho học sinh, sinh viên yêu thích về thư pháp; quảng bá giới thiệu tác phẩm “Đại tướng của Nhân dân - Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng cuộc đời”...

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/sap-dien-ra-hoi-thi-thu-phap-chao-mung-41-nam-ngay-nha-giao-viet-nam-voi-chu-de-ton-su-trong-dao-75.html