Nền kinh tế ngày càng hướng đến toàn cầu hóa, hiện đại hoá và công nghiệp hóa, thì nhu cầu về nhân lực có trình độ cao và có kỹ năng đặc biệt là rất quan trọng. Do đó, nhận thức về sự cần thiết của việc duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập liên tục đang tăng lên trong cộng đồng lao động Việt Nam.
Vấn đề mở rộng cơ sở giáo dục cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục. Những năm gần đây, các tổ chức giáo dục đã chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng cơ sở hạ tầng giáo dục để cung cấp cơ hội học tập cho nhiều người dân hơn. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp tục học tập và nâng cao trình độ sau khi tham gia vào lực lượng lao động.
Tuy nhiên, các lĩnh vực kinh tế vẫn đang khát lao động có tay nghề, chuyên môn cao, kỹ năng giỏi… Tại các doanh nghiệp cũng có sự dịch chuyển về nhu cầu lao động, nhất là cần thêm lực lượng lao động có kinh nghiệm và tay nghề cao để thực hiện các vị trí công việc, các đơn hàng có giá trị, từ đó nâng tầm chất lượng sản phẩm và vị thế của đơn vị.
Nhu cầu nhân lực hiện tại và tương lai trên thị trường lao động đang biểu hiện rõ nét việc thiếu nhân lực phù hợp. Sinh viên, học sinh các trường đại học và giáo dục nghề nghiệp cần phải ứng dụng được năng lực vào thực tế. Dù là học ngành nghề gì, cấp học nào, nhưng cần nhất phải là sự phù hợp với mong muốn, năng lực, phẩm chất…
Vì thực tế, các công ty đã và đang đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ, tự động hoá và mô hình làm việc mới để xử lý và vượt qua thách thức về vấn đề lao động. Bên cạnh đó, sự tích hợp trí tuệ nhân tạo vào lực lượng lao động sẽ có sự thay đổi chất lượng cơ cấu, hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp, phù hợp cơ cấu nhân lực số và công nghệ số.
Trong khi đó, nguồn nhân lực số là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn, kỹ năng thực hành, vững về đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế đứng trước bối cảnh cạnh tranh quốc tế. Đó chính là những yêu cầu hướng đến giáo dục và đào tạo 5.0, đang thay đổi đáng kể từ nền tảng giáo dục và đào tạo 4.0 ứng dụng công nghệ… theo xu hướng tăng năng suất lao động cho nền kinh tế.
Giáo dục và đào tạo 5.0 không chỉ tập trung vào kiến thức mà tiến xa hơn với việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, học máy, thực tế ảo và thực tế tăng cường, để tạo ra môi trường học tập thông minh, về cá nhân hóa, khả năng xã hội, tinh thần và an toàn của học sinh - sinh viên, tương tác giữa con người và công nghệ…
Từ đó, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp và nhu cầu thị trường lao động, phát triển năng lực toàn diện cho sinh viên (bao gồm kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và phẩm chất đạo đức…), giúp sinh viên thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của xã hội và thị trường lao động. Trong đó, riêng môi trường quốc tế, phải chú trọng phát triển năng lực sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên; tăng cường kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp; xây dựng môi trường học tập gắn liền với thực tiễn…
Còn đối với phát triển về chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm, các kỹ năng cốt lõi (giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phân tích, sáng tạo…), những kỹ năng này sẽ ngày càng trở thành giá trị cốt yếu trong các lĩnh vực công nghệ.
Với xu hướng hiện nay, sinh viên cần chú trọng:
1. Quản lý thời gian, phải độc lập, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về những việc làm của bản thân.
2. Luyện tập khả năng đọc cũng như tiếp nhận thông tin, làm giàu ngôn ngữ nói và viết.
3. Khám phá các tri thức khoa học cũng như tri thức xã hội.
4. Rèn luyện cách nói, cách viết đơn từ, sử dụng ngôn ngữ phù hợp.
5. Làm việc nhóm một cách nghiêm túc, thiện chí, đúng giờ giấc, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của của người khác nhưng cũng phải có chính kiến của riêng mình.
6.Tham gia các hoạt động xã hội, làm thêm
Người sinh viên cần trang bị những kỹ năng cần thiết phù hợp nghề nghiệp tương lai, có cơ hội nâng cao kinh nghiệm, phát triển các kỹ năng số mới, giúp tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu với các cú sốc kinh tế và xã hội đang tác động mạnh mẽ đến cơ cấu việc làm, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, khoa học ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), máy học (machine learning), robotics... để trở thành những công dân số trong thời đại mới, đóng góp cho sự phát triển của bản thân và Quốc gia.
Sinh viên cần hiểu rõ thế hệ trẻ đang đứng trước những lợi thế trong thị trường lao động liên tục thay đổi, liên tục học tập, cập nhật… một số kỹ năng sẽ thuộc về lĩnh vực công nghệ, một số khác là "kỹ năng mềm", các kỹ năng cụ thể trong một thế giới kỷ nguyên số và chuyển đổi số mà máy móc ngày càng trở nên phức tạp. Nên cần rèn luyện mình hoàn thiện năng lực nghề nghiệp theo hệ đào tạo là yếu tố then chốt giúp mỗi người bước vào thị trường lao động một cách hiệu quả nhất và chắc chắn có nhiều cơ hội thăng tiến, phát triển.
Vì vậy, cần liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng, chủ động học hỏi để phát triển và thể hiện tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi...
Đặc biệt, phải nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI vào công việc để nâng cao năng suất lao động. Mỗi người tự “làm giàu” vốn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ tiếp thu, nâng cao năng lực làm chủ bản thân, làm chủ tri thức, làm chủ kỹ thuật và công nghệ mới để luôn thích ứng với những biến đổi nhanh của xã hội trong thời kỳ hội nhập và công nghệ số.