Nhiều bậc phụ huynh đang lo lắng, tới đây không biết phải làm thủ tục nhập học đầu cấp cho con thế nào khi “khai tử” sổ hộ khẩu (SHK) theo luật Cư trú.
Chị Nguyễn Thị Hường (Hà Đông – Hà Nội) chia sẻ: “Những năm trước, phải có SHK để làm thủ tục nhập học cho con. Nhưng từ 1/7, sẽ bỏ SHK theo quy định, do đó tôi khá băn khoăn. Không biết phải chứng minh thế nào để cho con đi học”.
Anh Hà Mạnh Tuấn (Đống Đa – Hà Nội) băn khoăn: các bậc học như: Mầm non, Tiểu học và THCS,… học sinh (HS) chưa đủ tuổi để làm căn cước công dân. Vì vậy, khi làm thủ tục nhập học sẽ cần đến các loại giấy tờ khác.
“Nếu bỏ SHK, tôi không biết các nhà trường sẽ làm thủ tục cho con em đi học như thế nào, phụ huynh có phải vất vả hơn không”- anh Tuấn chia sẻ.
Giải tỏa những lo lắng trên, cô Trần Thị Thu Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Nguyễn Bá Ngọc (Hoàn Kiếm – Hà Nội), cho rằng: “Bỏ SHK không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, vì vẫn còn dữ liệu HS trên hệ thống phần mềm”.
Còn bà Dương Thị Sáu – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết: Theo lịch, tuyển sinh trực tuyến sẽ diễn ra vào 12/7. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa kiểm tra học kỳ 2, để kết thúc năm học 2020-2021.
“Lịch thì vậy, nhưng theo tôi phải kiểm tra học kỳ 2 đối với lớp 5 rồi mới có kết quả để tiến hành tuyển sinh lên lớp 6"- bà Sáu nói.
Theo bà Sáu, không có SHK, thì vẫn có giấy khai sinh hoặc giấy tạm trú để làm hồ sơ nhập học.
Ông Nguyễn Văn Hậu – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội) thì cho biết, hiện tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, khi nào làm thủ tục nhập học, HS sẽ dùng đến giấy khai sinh mà không nhất thiết phải SHK. Ngoài ra, HS đã được cấp mã định danh theo hệ thống quản lý dữ liệu, vì vậy không ảnh hưởng.
“Chỉ cần có mã định danh, HS có thể nhập đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Khi làm thủ tục nhập học, chỉ cần cung cấp học bạ, giấy khai sinh… Vì thế SHK không quan trọng"- ông Hậu thông tin.
Bà Nguyễn Thị Hương – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khẳng định, bỏ SHK, nhưng vẫn có đăng ký thường trú nên sẽ không ảnh hưởng đến tuyển sinh đầu cấp.
“Ngoài ra, trước đó các nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương đi điều tra phổ cập để lấy số liệu HS. Do vậy, thông tin về số lượng, danh sách HS sẽ được cập nhật trên hệ thống. Khi nhập học, phụ huynh HS sẽ mang các giấy tờ cần thiết tới trường, nếu hồ sơ không khớp trên dữ liệu sẽ được xem xét để đảm bảo quyền lợi cho HS”- bà Hương cho biết.
Từ ngày 1/7, luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực, trong có quy định về việc thay đổi phương thức quản lý cư trú từ truyền thống bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý bằng số hóa. Những sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp vẫn được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31/12/2022.
Nếu thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.