03/04/2022 11:23

Số hóa trong đào tạo và thị trường lao động!

Chuyển đổi kỹ thuật số trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đang là chủ đề thời sự nóng bỏng trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Các chuyên gia về dự báo và nhân lực luôn có những chương trình định hướng nghề nghiệp vì tương lai thế hệ trẻ cho các em học sinh

Trong đó, vai trò chủ đạo là công nghệ kỹ thuật số (xuất hiện đầu thế kỷ 21) đang gây ra những thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực cuộc sống, nó báo hiệu rằng chúng ta đã bước sang một kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên kỹ thuật số”.

Các công nghệ kết nối kỹ thuật số mới nổi và những đổi mới giáo dục đã được kích hoạt bởi tài nguyên giáo dục mở (OER), khóa học mở trực tuyến đại chúng (MOOC)… đang phá vỡ các quy trình và cấu trúc học tập của thời đại công nghiệp, do đó nó là cấp bách để phát triển mô hình giáo dục mới.

Những cải tiến mới này cho phép người học mở rộng việc học ra ngoài ranh giới cơ sở học tập truyền thống, qua trải nghiệm học phong phú không chính quy, bằng cách sử dụng cộng đồng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội và các công nghệ mới khác. Không chỉ dừng lại ở những kỹ năng, kiến thức công nghệ cơ bản, mà hướng đến phát triển năng lực tư duy, khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường công nghệ hiện đại, đào tạo nghề chuyên sâu… để trở thành công dân toàn cầu.

Nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp thường xuyên diễn ra để tìm hướng đi cho các bạn trẻ trong thời đại kỷ nguyên số 4.0

Theo báo cáo Cuộc cách mạng kỹ năng (A Skills Revolution) của Tập đoàn cung cấp giải pháp nhân lực ManpowerGroup, khảo sát 18.000 doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực tại 43 quốc gia cho thấy, chúng ta đang sống trong “kỷ nguyên nhân tài” với sự phát triển thần kỳ, trong đó khả năng học hỏi (Learnability), tiếp cận và làm việc… sẽ là thế cân bằng quan trọng của thế giới việc làm.

Kết quả khảo sát cho thấy, 6/10 nhà tuyển dụng khẳng định sẽ duy trì số lượng nhân viên nếu họ có kỹ năng thích hợp và sẵn sàng học hỏi, áp dụng và thích nghi với sự thay đổi. Ngoài ra, khảo sát cho thấy, cứ 5 nhà tuyển dụng thì có 1 người mong đợi sự đột phá công nghệ để tăng số việc làm, tăng nhân sự cấp cao, gia tăng đội ngũ có tay nghề, vì đây là những công việc phù hợp với thế giới việc làm tương lai.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, hiện nay sinh viên, học sinh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi: trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, quản lý chưa cao; năng lực hội nhập và kỹ năng xã hội chưa đáp ứng được đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế; vẫn còn một bộ phận sinh viên, học sinh chưa ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình… và đó là những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.

Chính vi vậy, các chương trình đào tạo có tính chuyên môn cao trong lĩnh vực nhất định sẽ đáp ứng được tính liên ngành (công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng, kiến thức chuyên ngành) và các kỹ năng khác (khả năng suy nghĩ hệ thống, khả năng tổng hợp, khả năng liên kết giữa thế giới thực và ảo, khả năng sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác liên ngành…), từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động.

Với điều kiện phát triển không ngừng của xã hội, đòi hỏi kiến thức về công nghệ thay đổi rất nhanh, việc trang bị cách thức tự học và ý thức học tập suốt đời càng quan trọng hơn kiến thức của chương trình đào tạo.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các ngành nghề thay đổi rất nhanh, người học cần xác định tinh thần sẵn sàng thích nghi trong các bối cảnh mới, hiện đại, chuyên nghiệp… từ đó có thể linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề.

Vì vậy, là học sinh các bạn nên chọn ngành phù hợp với đam mê, năng lực, tính cách của mình, không hướng vào một nghề cụ thể, mà hướng vào các lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với thị trường lao động, nhằm để mở rộng hướng công việc hơn, giúp tăng cơ hội thành công và giảm nguy cơ thất nghiệp.

Trần Anh Tuấn
Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế

Trần Anh Tuấn

Link nội dung: https://eranet.vn/so-hoa-trong-dao-tao-va-thi-truong-lao-dong-75.html