Để phát triển các ngành kinh tế biển, vấn đề mấu chốt là phải có nguồn nhân lực và trình độ khoa học công nghệ đáp ứng được nhu cầu khai thác, chế biến, quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên biển.
Theo các nguồn số liệu công bố chính thức, Việt Nam có 29/63 tỉnh, thành phố ven biển, 125 huyện ven biển, chiếm 17% diện tích cả nước. Diện tích mặt nước biển gấp 3 lần diện tích đất liền. Dọc bờ biển Việt Nam có 12 thành phố lớn, 100 cảng biển, hơn 238.000 cụm công nghiệp và gần 1.000 bến cá. Kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp 48% GDP; kinh tế thuần biển đóng góp 22% GDP nên việc phát triển nguồn nhân lực cho vùng biển.
GS.TS Trần Văn Nam - Nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, hiện nay chưa có một định nghĩa toàn vẹn về kinh tế biển, nhưng có thể hiểu Kinh tế biển là toàn bộ hoạt động kinh tế liên quan đến biển, và có thể chia ra 2 nhóm chính:
Nhóm thứ nhất, bao gồm toàn bộ những hoạt động kinh tế diễn ra trên biển, như: kinh tế hàng hải (vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ liên quan); hải sản (đánh bắt, nuôi trồng, khai thác cảng cá); khai thác dầu khí trên biển; du lịch biển; nghề muối biển; dịch vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển; kinh tế hải đảo.
Nhóm thứ hai là những hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác, có thể không diễn ra ngay trên biển, nhưng dựa vào yếu tố biển và diễn ra từ đất liền, như: đóng và sửa chữa tàu biển (có nước xếp vào kinh tế hàng hải); công nghiệp chế biến dầu khí; công nghiệp chế biến hải sản; cung cấp dịch vụ biển (khí tượng thủy văn, logistics, và một số lĩnh vực khác….); thông tin liên lạc biển (đài phát tín hiệu ven biển, hệ thống định vị); nghiên cứu khoa học - công nghệ biển; điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; bảo vệ môi trường, sinh thái biển.
Kinh tế biển là động lực chính của sự tăng trưởng mới, tạo ra việc làm và gắn kết xã hội. Các ngành kinh tế biển: Kinh tế hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển); khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản trên biển; khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển khác; dịch vụ và du lịch biển; làm muối; dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; kinh tế đảo...
Theo các chuyên gia, kinh tế biển một số ngành và lĩnh vực như: quản lý tổng hợp vùng bờ, quản lý rủi ro, khai thác vật liệu hóa phẩm trong nước biển, công nghệ hóa lý trong khai thác nước ngọt từ biển, công nghệ khai thác năng lượng biển (sóng biển, thủy triều, thủy nhiệt)… là những lĩnh vực rất cần cho một nền kinh tế biển hiện đại.
Để có thể phát triển các ngành kinh tế biển nêu trên, vấn đề mấu chốt là phải có nguồn nhân lực và trình độ khoa học công nghệ đáp ứng được nhu cầu khai thác, chế biến, quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên biển.
Hiện đã có 20 chuyên ngành đào tạo liên quan đến biển, 92 lượt cơ sở đào tạo 20 ngành ở trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa 15 nghề thuộc lĩnh vực kinh tế biển vào danh mục nghề trọng điểm đào tạo nhân lực (9 nghề ở cấp độ quốc tế, 3 nghề cấp độ khu vực, 8 nghề cấp độ quốc gia). Tuy nhiên, trên thực tế nguồn nhân lực Việt Nam có tay nghề và kỹ năng đang thiếu và yếu so với các nước trong khu vực.
Trong phạm vị bài viết này, xin nêu một số giải pháp cần được tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế biển:
1. Tăng cường chính sách nhà nước chú trọng phát triển các trường đào tạo các ngành nghề phù hợp với chiến lược phát triển thị trường lao động kinh tế biển; x ây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra; tích hợp các nội dung đào tạo một cách hợp lý về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp ngay trong từng mô đun, môn học; tự chủ tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá,cấp bằng, chứng chỉ và chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo nghề kinh tế biển đặc thù đạt chuẩn quốc gia, khu vực, quốc tế ở các trình độ; chú trọng việc cập nhật kỹ thuật.
2. Nâng cao năng lực quy hoạch nhân lực kinh tế biển (thống kê, dự báo) đối với từng lĩnh vực hoạt động (trực tiếp hoặc gián tiếp), từ đó lập kế hoạch đào tạo theo nhu cầu lao động hoạt động trong các lĩnh vực thuộc kinh tế biển.
3. Đổi mới cơ chế hợp tác quốc tế nhằm khuyến khích các cá nhân, đơn vị, tập thể khoa học chủ động tạo dựng quan hệ hợp tác khoa học - đào tạo với đối tác nước ngoài. Tạo quan hệ hợp tác đang triển khai và tranh thủ sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế khác (chính phủ và phi chính phủ, doanh nghiệp) về trí tuệ và nguồn vốn đầu tư các phòng thực hành hiện đại.
Mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực kinh tế biển, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực ngang tầm quốc tế trong những lĩnh vực mũi nhọn như du lịch biển, khai thác hải sản, vận tải biển, đóng tàu,…;
4. Trong bối cảnh nhiều cử nhân đại học, cao đẳng nhiều ngành nghề không tìm được việc làm, nhưng nhu cầu tuyển dụng thì chưa được đáp ứng theo yêu cầu, nguyên nhân của thực trạng này có thể bắt nguồn từ sự thiếu hụt kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của những sinh viên mới ra trường hay các yêu cầu ngày càng khắt khe của doanh nghiệp… .Vì vậy cần tăng cường các chương trình huấn luyện bổ sung các kỹ năng cơ bản (phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, sơ cứu trên biển,…), hỗ trợ phương tiện kỹ thuật, thông tin, y tế,… cho các lao động đang làm việc trong những ngành đặc thù thuộc kinh tế biển.
Hơn nữa, với sự phát triển không ngừng trong rất nhiều lĩnh vực, những kiến thức thu được trên giảng đường là điều kiện cần nhưng chưa đủ để hỗ trợ sinh viên,học sinh trong công việc. Điều này dẫn tới một thực trạng sinh viên có thể nắm rất chắc lý thuyết chuyên môn, nhưng không có kinh nghiệm thực tế hay kỹ năng nghề nghiệp.
Do đó, cần tổ chức những khóa học, phát triển đào tạo để lấy chứng chỉ nghề nghiệp hoặc kỹ năng quốc tế. Ngoài việc bổ sung kỹ năng, kiến thức cần thiết cho sinh viên, các khóa học này còn cung cấp một chứng chỉ uy tín, là căn cứ vững chắc khẳng định năng lực của người học với nhà tuyển dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên và thị trường lao động thời đại kỹ thuật số. Chứng chỉ nghề là một trong những công cụ giúp người thực hiện nghề nghiệp luôn phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, thể hiện năng lực. Bên cạnh đó, cập nhật những thông tin mới, ứng dụng được sử dụng trong lĩnh vực chuyên môn.